Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Một sai lầm “di truyền” qua nhiều thế hệ từ điển và hệ quả trong y-dược học


Lê Mạnh Chiến

I. Một sai lầm di truyền qua nhiều thế hệ từ điển ở Việt Nam
1.  Chữ Vị (= ) trong các tự điển /từ điển Hán – Việt và Việt - Hán
      Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (xuất bản năm 1932, nay vẫn được in lại và lưu hành rộng rãi) cho biết:  Vị  = tên loài thú, tức con nhím.  Hán - Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng (Khai trí, Sài Gòn, 1975)  cũng viết: Vị = con nhím.
      Tất cả các quyển từ điển  Hán -  Việt  ra đời từ năm 1990 đến nay, như Từ điển Trung – Việt của Viện Khoa học Xã hội Việt nam (Do 12 người biên soạn, với một ban chỉ đạo, Nxb  Khoa học xã hội, 1992), Từ điển Hán Việt  hiện đại do Nguyễn Kim Thản chủ biên (Nxb Thế giới, 1994), Từ điển Hán – Việt  do Phan Văn Các chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, 2002) v.v., đều cho rằng, Vị ()hoặc Thích vị nghĩa là con Nhím. Ngoài ra, còn có từ Hào trư cũng là Nhím.  
     Hán  - Việt tự điển của Thiều Chửu (xuất bản năm 1942, hiện nay vẫn được in lại liên tục) cũng cho  rằng, chữ Vị ,cũng viết là , nghĩa là con dím (nhím). Tất cả các quyển tự điển Hán – Việt khác, như Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan hoặc của các soạn giả khác gần đây cũng đều viết: Vị () = con nhím.
       Từ điển Việt – Hán của Hà Thành, Trịnh Ngọa Long, Chu Phúc Đan, Dương Đức Luân (xuất bản ở Bắc Kinh trong những năm 60 của thế kỷ trước,  nay được Nxb Giáo dục tái bản nhiều lần) cũng viết: dím (rím, nhím, con dím) = (Thích vị).  Đại từ điển Việt Hán của Phan Văn Các (Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007) cũng viết: nhím = (thích vị).
       Danh từ Vị ()đồng nghĩa với Thích vị (thích  nghĩa là gai nhọn). Tân Hoa tự điển 华字典 và tất cả các tự điển/từ điển Hán ngữ  đều xác nhận điều đó.
       Qua một số dẫn chứng vừa kể và rất nhiều dẫn chứng khác mà không cần nêu thêm nữa, độc giả đủ  thấy rằng, danh từ Vị ()trong Hán ngữ, cũng  là Thích vị ,  đã  được tất cả những người biên soạn từ điển ở Việt Nam  hiểu là con Nhím.

2 . Vài nét khái quát về Nhím

         Để xác nhận hoặc cải chính cách hiểu chữ Vị () hoặc Thích vị  trong giới học thuật từ trước đến nay, cần phải tra cứu các từ điển/tự điển hiện đại có uy tín của Trung Quốc. Mặt khác, cũng cần  phải biết rõ hình dáng, độ lớn và những thuộc tính của Nhím (có nơi gọi là Dím).
Từ điển Bách khoa Việt Nam cho biết (nguyên văn):
      NHÍM   (Hystricidae): họ thú gặm nhắm cỡ lớn,  phân bộ Hình nhím (Hystricomorpha), bộ Gặm nhấm (Rodentia). Bộ lông dài có gai cứng và  trâm nhọn  để tự vệ; gai có khoanh đen xen trắng. Thân dài 65 – 90cm. Đuôi  dài 12 – 15cm. Nặng 12 – 20kg. Ăn thức ăn tinh bột (rễ, củ, hạt), lá non, măng tre, nứa; ăn hại hoa màu (sắn, ngô). Có 4 – 6 loài, sống ở hang, trong rừng rậm, núi đất, sườn đồi thuộc Châu Á, Châu Phi.
      Ở Việt Nam, thường gặp:  1) Nhím Hystrix (Acanthion) brachyura, nặng 15 – 20kg, đào hang, sống thành đôi hay từng gia đình nhỏ, kiếm ăn ban đêm. Nhím cái chửa 115 – 120 ngày, mỗi năm đẻ hai lứa vào mùa xuân và mùa thu. Con non nặng 300 – 400g, thành thục sau một năm;  2) Don Atherurus macrurus, nặng 8 – 10kg, lông nhỏ và hơi dẹp. sống ở hốc và ngách núi đá. Nhím kiếm ăn theo đàn, khi gặp nguy hiểm, Nhím xù lông, đi giật lùi rồi thình lình lao vào kẻ thù.
       Căn cứ vào tên khoa học của Họ Nhím (bằng tiếng Latin, thống nhất trên toàn thế giới) là Hystricidae, chúng ta dễ dàng tìm được đúng tên của Nhím trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga và Hán lần lượt là Porcupine, Porc-épic, Дикобраз, Hào trư  (hoặc Tiễn trư ). Các bộ Đại bách khoa toàn thư của các nước  đều viết về  Nhím tương tự như  Từ điển Bách khoa Việt Nam.  







Nhím đuôi ngắn hay Nhím Mã Lai,  Hystrix brachyura

Nhím Ấn Độ hay Nhím Bờm, Hystrix indica
        
          Việc tra cứu thư tịch nước ngoài đã giúp chúng tôi biết thêm một số điều như sau.  Loài Don có tên bằng tiếng Anh là Asiatic Brush-tailed Porcupine (= Nhím đuôi chổi Châu Á). Loài Nhím hay gặp nhất ở Việt Nam là Hystrix (Acanthion) brachyura, tức là Nhím đuôi ngắn,  có tên bằng tiếng Anh là Malayan Porcupine (= Nhím Mã lai). Ở Việt Nam còn có thể gặp loài Nhím Trung Quốc Hystrix hodgsoni (Himalayan porcupine  hay Chinese Porcupine) và Nhím Ấn Độ hay Nhím bờm Hystrix indica (Indian  Porcupine hay  Indian Crested Porcupine). Các loài này khác nhau rất ít. và có địa bàn sinh sống xen nhau. Nhím không ưa khí hậu lạnh nên chỉ có mặt từ lưu vực sông Trường Giang xuống phía nam.


Nhím Trung Quốc, Hystrix hodgsoni
       


Don, hay Nhím  đuôi chổi Châu Á, Atherurus macrourus
3. Vị ()hoặc Thích vị  có phải là Nhím hay không?
      Tân Hoa tự điển 新华字典 của Trung Quốc (mỗi năm phát hành  khoảng 10 triệu bản) giải thích chữ Vị khá rõ ràng, như sau:
        () = , , 身上长着硬 , 很尖, 昼伏夜出, 食昆虫和小动物等
        Nghĩa là: Vị,  () =  Thích vị ,  là động vật có vú, trên thân mọc những gai cứng, mõm rất nhọn, ban ngày thì lẩn trốn, ban đêm mới ra  bắt  côn trùng và các động vật nhỏ để ăn.  
       Độc giả tinh ý có thể nhận thấy ngay rằng, Thích vị  không phải là Nhím. Tuy cũng có lông cứng và ban đêm mới ra kiếm mồi như Nhím, nhưng Thích vị thì  ăn côn trùng và các động vật nhỏ, còn  Nhím thì ăn  rễ cây, củ, hạt, lá non...
       Từ điển Từ hải (ấn bản 1989 và 1999) giảng giải kỹ hơn:
刺猬(Erinaceus europaeus) 哺乳,食虫目,猬科.体肥短,20-25 厘米,四肢短, 爪弯 而锐利,目 和耳 都小. 体背密生土棕色的棘刺, 刺基白色, 尖端棕黑色. 面 部, 四 肢 及体腹面 无刺, 但 毛粗糙. 遇敌害时能卷曲成球, 以刺保护 身体. 夜 间 活动, 主食昆 虫和蠕虫, 对农业有益, 有时也食 农作物.有冬眠现象. 分布在 亚洲中部, 北部和欧洲; 中国北部及长江中下游亦产. 皮入葯
Nghĩa là: Thich vị, có tên khoa học là Erinaceus europaeus,thuộc lớp Động vật có vú, bộ Ăn thịt, họ Vị, thân ngắn mập, dài 20 – 25cm, bốn chân ngắn, móng cong nhưng sắc nhọn, mắt và tai đều  nhỏ, lưng mọc dày những gai nhọn màu nâu đất, gốc gai màu trắng, mút nhọn có màu đen-nâu. Mặt, bốn chân và bụng  không có gai mà có lông thô. Khi gặp kẻ địch thì có thể cuộn tròn lại như quả bóng, dùng gai để bảo vệ thân thể. Hoạt động vào ban đêm, chủ yếu là ăn côn trùng và giun, có ích cho nông nghiệp, cũng có khi ăn hoa màu, có hiện tượng ngủ đông. Phân bố tại miền bắc và miền trung Châu Á, Châu Âu. Miền bắc Trung Quốc và vùng trung – hạ du Trường Giang cũng có. Da dùng để làm thuốc.
       Qua đó đủ biết rằng, Thích vị và Nhím khác nhau rất xa: Thích vị thuộc bộ Ăn thịt;  Nhím thì thuộc bộ Gặm nhấm, ăn thực vật. Thích vị chỉ dài 20 – 25cm, lớn bằng  hai bàn tay hơi khum  úp vào  nhau, chỉ có thể nặng trên-dưới  1kg,  còn Nhím thì nặng đến 15 – 20kg. Thích vị chỉ sống  ở xứ lạnh (Châu Âu và một phần của Châu Á,  từ lưu vực Trường Giang trở lên phía bắc), ở Việt Nam không có.. Nhím chỉ sống ở phía nam lưu vực Trường Giang, ở Nam Á và Đông Nam Á, là những nơi mà Thích vị không sống được.
         Từ tên khoa học của giống Thích vị, thuộc họ Erinaceidae, dễ dàng  tìm được đúng tên của nó  trong các ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Nga ....  là Hedgehog, Hérisson, Ёж... Trước đây, họ Erinaceidae được xếp vào bộ thú Ăn thịt (Carnivora), nhưng hiện nay một số nhà sinh vật học chủ trương xếp họ này vào một bộ mới,  là bộ Erinaceomorpha.
      Với hình dạng, kích thước và một số đặc điểm vừa kể của con vật sống ở Trung Quốc có tên  trong Hán ngữ  Vị () hoặc Thích vị , chúng ta có thể (và cần phải) đặt cho nó cái tên bằng tiếng Việt  Chuột nhím, rồi từ đó, có  Họ Chuột nhím Bộ Hình Chuột nhím.

       Từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, Chuột nhím ở Trung Quốc đã từng mang những cái  tên khoa học như   Erinaceus koreanus (nghĩa là Thich vị Cao Ly, vì thấy loài này sống ở Đông - Bắc Trung Quốc và  Cao Ly, tức Triều Tiên), sau đó đổi thành  Erinaceus amurensis (= Manchurian Hedgehog = Amur Hedgehog = , tức là Chuột nhím Mãn Châu hoặc Chuột nhím  Hắc Long Giang),  hay Erinaceus dauricus hoặc Mesechinus dauuricus (= Daurian hedgehog = Chuột nhím vùng Dauria, thuộc Nội Mông), v.v. Cuối cùng, vì thấy loài này hoàn toàn  giống như Erinaceus europaeus (European Hedgehog, nghĩa là chuột nhím Châu Âu) cho nên hiện nay Chuột nhím ở Trung Quốc cũng có tên khoa học là  Erinaceus europaeus chứ không thể coi là  một loài riêng.

Hình ảnh của Chuột nhím 

                                                
       Đến đây, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ khoa học vững chắc để  kết luận rằng, việc dịch các từ Vị ()hoặc Thích vị  trong Hán ngữ thành từ Nhím trong tiếng Việt là một điều sai lầm đã xẩy ra trong tất cả các tự điển/từ điển ở Việt Nam từ trước đến nay.

4. Những sự nhầm lẫn giữa Chuột nhím và Nhím trong các từ điển khác ở Việt Nam

     a) Nhầm lấn trong các từ điển Pháp – Việt và Việt - Pháp
       Trong quyển Pháp – Việt từ điển của Đào Duy Anh (xuất bản năm 1936, tái bản nhiều lần), tại nghĩa 1 của  từ mục từ Hérisson, soạn giả viết: Hérisson = Con nhím, cũng gọi là porc-épic.
        Từ điển Việt –Pháp của Đào Văn Tập (xuất bản năm 1951 tại Sài Gòn)  và của Đào Đăng Vĩ (xuất bản và tái bản nhiều lần tại Huế và Sài Gòn từ  năm 1950 đến năm 1970)  đều viết: NHÍM = hérisson, porc-épic. Các Từ điển Pháp Việt của hai ông này (xuất hiện trước  các Từ điển Việt – Pháp của họ và được tái bản nhiều lần) cũng cho rằng, Hérisson  Porc-épic đều là Nhím.
       Từ diển sinh học Pháp Việt  của Lê Khả Kế (Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội, 1981) cũng lặp lại sai lầm của ba soạn giả họ Đào.
       Như chúng tôi đã trình bày, danh từ Hérisson trong tiếng Pháp hoàn toàn tương ứng với danh từ Vị ()hoặc Thích vị trong Hán ngữ. Độc giả có thể  kiểm  chứng điều này bằng từ điển Le Petit Larousse, trong đó viết rất rõ (có kèm theo hình ảnh nhỏ) như sau:
     HÉRISSON = Mammifère insectivore au dos recouvert de piquants, grand prédateur des insects, des vers, des molusques et des reptiles (Long. 20cm).
    Nghĩa là:  HÉRISSON = Động vật có vú, ăn côn trùng,  lưng được bao phủ bằng những mũi gai nhọn, là loài giỏi săn bắt  côn trùng, giun, các động vật thân mềm và động vật bò sát (Dài 20cm).
      b) Nhầm lẫn trong các từ điển Anh– Việt và Việt – Anh
       Từ điển Anh – ViệtTừ điển Việt  - Anh của Nguyễn Văn Khôn (xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975) đều cho rằng Hedgehog và Porcupine cùng có nghĩa là con Nhím
       Từ điển sinh học Anh- Việt  (Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội, 1876), Từ điển Anh- Việt (Ủy ban KHXH Việt Nam, Viện ngôn ngữ học, Nxb KHXH, 1975), Từ điển Anh –Việt   (Hồ Hải Thụy, Chu Khắc Thuật, Cao Xuân Phổ, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994), Từ điển Anh- Viêt  (Phan Ngọc chủ biên; Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995), Từ điển Anh- Việt (Lê Khả Kế, Nxb KHXH, 1997),  Từ điển Anh -Viêt, (Đại học ngoại ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997),  Đại từ điển Anh –Viêt (Bùi Phụng, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007) cũng cho rằng Hedgehog và Porcupine  đều  là Nhím.    
  c) Nhầm lẫn trong các từ điển Nga – Việt và Việt – Nga
         Từ điển Nga - Việt của Nguyễn Năng An (xuất bản tại Moskva năm 1959 và tái bản nhiều lần) vốn dựa vào một cuốn từ điển Nga - Pháp cỡ nhỏ, trong đó đã dịch rất đúng: Ёж  = Hérisson. Vì  tất cả mọi quyển Từ điển Pháp – Việt  lúc đó đều dịch Hérisson = con nhím, cho nên danh từ  Ёж trong tiếng Nga cũng được dịch thành con nhím.  Tiếp theo là Từ điển Nga - Việt của K.M. Alikanov, V.V. Ivanov và I.A. Malkhanova (xuất bản năm 1977, tái bản nhiều lần) rồi đến Từ điển Nga – Việt mới của K.M. Alikanov và I.A. Malkhanova (Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007) cũng không trành khỏi sự nhầm lẫn ấy. Theo các từ điển này thì Ёж  = (con) nhím, dím, nhím Âu (Erinaceus europaeus) và Дикобраз = (con) nhím, dím (Histrix nirsutirostris). Chúng ta đã biết rằng, Erinaceus europaeus là Chuột nhím.  Дикобраз thì đúng là Nhím nhưng ở đây đã viết  tên khoa học của nó hơi nhầm một chút: phải là Histrix hirsutirostris mới đúng. Tên này đồng nghĩa với Histrix indica, tức là Nhím Ấn Độ hay Nhím bờm.
         Từ điển Việt – Nga của I.I. Glebova, V.A. Zelentsov, V.V. Ivanov, N. I. Nikulin, A.P. Shiltova (xuất bản ở Moskva năm 1961) vốn dựa vào các cuốn từ điển Việt – Pháp ở Sài Gòn nên đã dịch: Nhím = ёж, дикобраз. Tiếp theo, Từ điển Việt – Nga của I.I. Glebova và A.A. Sokolov (Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008) cũng viết như thế, nghĩa là vẫn nhầm lẫn giữa Chuột nhím và Nhím.
  d. Sự nhầm lẫn giữa Chuột nhím và Nhím trong các từ điển ở Việt Nam là do đâu?.
      Đọc xong đoạn này, hẳn là có độc giả sẽ nghĩ rằng, Cụ Đào Duy Anh là người gây ra sự nhầm lẫn này đầu tiên rồi những bậc đàn em của Cụ cứ thế mà noi theo. Sự thực thì không hẳn như vậy. Sự nhầm lẫn này đã xẩy ra từ trước rất lâu.
     Từ điển An Nam – Pháp của J.F.M. Génibrel (Dictionnaire Annamite – Français, có tên bằng chữ Hán là Đại Việt quốc âm Hán tự Pháp thích tập thành 大越國音漢字法釋集成,  xuất bản năm 1898 tại Sài Gòn) đã viết: NHÍM, Con nhím =  Porc-épic, hérisson
     Từ điển An Nam – Latin của  A.J.L. Taberd (Dictionarium Anamitico – Latinum, có tên bằng chữ Hán là Nam Việt Dương hợp tự vị 南越洋合字彙, xuất bản năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ) đã viết: Nhím = herinaceus
       Xin lưu ý rằng, herinaceus là một cách viết của từ erinaceus hiện nay, nghĩa là Chuột nhím
       Khi biên soạn các từ điển này, các giáo sĩ A.J.L. Taberd  và J.F.M. Génibrel (đều là người Pháp) đã nhờ các trí thức nho học người Việt chuyển  các từ tiếng Việt ra chữ Hán rồi từ đó họ mới dịch sang tiếng Latin hoặc tiếng Pháp. Hẳn là các nhà nho ấy đã dịch: Nhím = Vị (). Chắc chắn là trước đó chưa hề có người Việt nào hiểu đúng nghĩa của chữ  Vị ().  
     Hiện đại Hán ngữ từ điển  現代漢語詞典 (của Viện Khoa học Xã hội  Trung Quốc), đã giảng giải về danh từ  Thích vị , cũng gọi là Vị (),gần giống như ở Tân Hoa tự điển mà độc giả đã đọc được ở đoạn trên kia.  Các quyển Từ điển Hán – Việt được biên soạn trong khoảng hai chục năm  gần đây thường dựa theo  Hiện đại Hán ngữ từ điển, tuy không chịu ảnh hưởng của các từ điển Hán – Việt ngày xưa nhưng vẫn không phân biệt được Chuột nhím và Nhím.
     Các quyển Từ điển Anh – Việt được biên soạn trong thời gian này cũng vậy. Từ điển Anh – Việt của nhóm Hồ Hải Thụy, Chu Khắc Thuật, Cao Xuân Phổ (Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994) dựa theo cuốn Oxford Anvanced Learner’s English dictionary, là một ví dụ. Từ hedgehog, sau lời giải thích  được dịch từ tiêng Anh là “động vật nhỏ, ăn côn trùng, ngoài da có gai cứng, tự mình cuộn tròn thành quả bóng để tự vệ”, đã được dịch là con nhím.
        Sự nhầm lẫn giữa Chuột nhím và Nhím trong các từ điển từ trước đến nay đều do các soạn giả  không nắm được một đặc điểm rất quan trọng của Nhím là  ăn củ, quả, hạt, rễ cây.., chứ  khôntg ăn các động vật nhỏ.

II. Sự nhầm lẫn giữa Chuột nhím và Nhím và hệ quả tai hại trong y học

1. Sự ngoa truyền về dạ dày nhím
        Trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi . (In lần thứ 13, Nxb Y học,    Nội, 2005), mở đầu  bài  CON NHÍM  (kèm theo hai chữ Hán Thích vị) trang 1023,  tác giả viết (nguyên văn):      
              Còn gọi là con dím, hào chư, cao chư, sơn chư, loan chư.
            Tên khoa học:  Hystrix  hodgsoni
            Thuộc họ Nhím (Hystricidae)
        Con nhím cho vị thuốc gọi là thích vị bì (Corium Hystrici)dạ dày của con nhím  Hystrix  hodgsoni. Tại Trung Quốc, người  ta dùng dạ dày của loài nhím thích cầu tử  hay mao thích Erinaceus europaeus L hoặc con nhím Hemichianus dauricus  Sundevall cùng thuộc họ Erinaceidae.   
        Tiếp theo là các tiểu mục:  A. Mô tả con vật (giống như ở Từ điển Bách khoa Việt Nam, đã nêu ở trên, xin miễn nhắc lại) B. Phân bố, săn bắt và chế biến (có câu: ngoài thịt dùng để ăn, người ta thu lấy lớp da bao phủ dạ dày và gan, phơi hay sấy khô để dành làm thuốc...); C. Thành phần hóa học  chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Ở tiểu mục D. Công dụng và liều dung, tác giả viết:
       Theo tài liệu cổ, dạ dày nhím có vị đắng, ngọt, tính bình (Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân thì vị ngọt, tính hàn, không độc). Vào hai kinh vị và đại tràng. Có tác dụng  lương huyết (mát máu), giải độc, làm hết  đau, trĩ lậu ra huyết. Dùng chữa những trường hợp trĩ lòi dom chảy máu, di mộng tinh, nôn mửa, lỵ ra máu.
         Xin lưu ý rằng,tác giả Đỗ Tất Lợi có ghi thêm các chữ “Corium Hystrici”, coi đó  là tên Latin của  thích vị bì. Nhưng Corium nghĩa là da chứ không phải là dạ dày. Hơn nữa, khi tìm cái tên Corium Hystrici” trên máy tính thì chỉ thấy vài chục văn bản bằng tiếng Việt nhắc đến danh từ này khi trích dẫn lời của tác giả Đỗ Tất Lợi . Hoàn toàn không thấy một văn bản nào của nước ngoài nhắc đến cài tên ấy. Điều đó chứng tỏ rằng, cái tên  Corium Hystrici chỉ là do người Việt Nam dịch ra để gán ghép vào mà thôi.  
        Trong Hán ngữ, Nhím có tên là Hào trư , dạ dày Nhím thì gọi là Hào trư đỗ  .   Nhưng ở đây,  GS Đỗ Tất Lọi đã dựa  theo  các từ điển nên đã hiểu sai rằng Nhím  cũng có tên là Thích vị 刺猬, và ông cũng khảo cứu về  Nhim qua cái tên này, dẫn đến  sai lầm nghiêm trọng, cho rằng, Thích vị bì 刺猬皮   dạ dày của con nhím  Hystrix  hodgsoni,  mặc dầu đó là da chuột nhím             
        Từ điển Từ hải (ấn bản 1989 và 1999) viết:
刺猬皮 = 中葯名. 猬科动物刺猬的外皮. 上层的刺由角蛋白构成. 下层的真皮层,主要含 胶 原与彈性硬蛋白和脂肪等. 性平, 味苦, 功能化瘀止血, 止痛,主治胃脘疼痛, 下血, 痔漏等
    Nghĩa là: Thích vị bì là một vị thuốc của Trung Quốc, là da bọc ngoài  của động vật Thích vị thuộc họ Thích vị. Gai nhọn ở ngoài do chất keratin cấu thành. Lớp da thật ở bên dưới, chủ yếu chứa chất keo, albumin cứng và các chất mỡ. Tính bình, vị đắng, có tác dụng hóa ứ (làm tan chỗ tụ  máu), cầm máu, ngừng đau, chủ trị chứng đau bên trong dạ dày, hạ huyết (đại tiện ra máu), bệnh trĩ.
      Hán -Anh Y học đại từ điển (The Chinese –English Medical Dictionary, Nhân dân vệ sinh xuất bản xã, Bắc Kinh, 1990) viết:
         Thích vị bì  = Hedgehog skin – Corium erinacei:  Dried spring skin of Erinaceus europaeus, or Erinaceus dauricus (Erinaceidae). used  to maintain air or gas moving down-ward, relieve pain, remove heat from blood and arrest bleeding.
        Nghĩa là: Thích vị bì = da Chuột nhím, tên Latin là Corium erinacei, là da dai khô của loài Erinaceus europaeus hoặc Erinaceus dauricus, dùng để dẫn khí đi xuống, giảm đau, làm mát máu và cầm máu.
         Ghi chú: Erinaceus dauricus là một trong những tên khoa học cũ của “Chuột nhím ở Trung Quốc”.  khi người ta còn nghĩ rằng nó là một loài khác với  Erinaceus europaeus, tức Chuột nhím Châu Âu.  Erinaceus dauricus  nghĩa là “Chuột nhím ở vùng Dauria”,  nơi cư trú của người Daur, thuộc  Khu tự trị Nội Mông  của Trung Quốc.
         Trong bài CON NHÍM, ở tiểu  mục B. Phân bố, săn bắt và chế biến  có câu: ngoài thịt dùng để ăn, người ta thu lấy lớp da bao phủ dạ dày và gan, phơi hay sấy khô để dành làm thuốc. Câu này mach bảo cho chúng ta biết rằng, khi nghe ba tiếng “thích vị bì” (chứ không nhìn vào chữ Hán, vì không dựa theo sách  mà chỉ dựa theo lời truyền miệng) người ta chú ý đến hai tiếng “vị bì” và cho rằng đó là là “vỏ dạ dày” (quả là  có chữ Vị nghĩa là dạ dày, nhưng khác với các  chữ Vị , trong từ Thích vị )  rồi  suy ra rằng,  “thích vị bì” là “vỏ dạ dày nhím”, cũng thuộc về  “dạ dày nhím “ vậy. Nghĩa  này không phải do  GS Đỗ Tất Lợi nghĩ ra. Chúng tôi biết rằng,vì  không biết chữ Hán nhưng vốn là người cẩn thận nên ông đã hỏi ý kiến vài vị thầy thuốc Đông y (mà chúng tôi cũng biết họ). Rủi thay, điều đó  đã khiến  ông phạm thêm một sai lầm  nữa: da Chuột nhím  đã biến  thành dạ dày Nhím . Hồ đồ như  thế thì việc trích dẫn  lời của Lý Thời Trân  về dạ dày nhím trong Bản  thảo cương mục có đáng tin hay không? 
        Trong vài chục  năm gần đây, trên nhiều tờ báo in  và báo điện từ  có rất  nhiều bài nói về công dụng chữa bệnh của dạ dày nhím. Phần lớn các  bài này đều  dựa theo bài CON NHÍM trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Đặc biệt là hầu như  bài nào cũng chép lại “lời của Lý Thời Trân  nói về dạ dày nhím trong sách Bản thảo cương mục”. Có vài tác giả đã biết  rằng, trong Hàn ngữ  Hào trư đỗ mới là  dạ dày Nhím là nhưng họ vẫn nói  Thích vị bì là da nhím. Một số bài viết về Nhím nhưng lại kèm theo hình Chuột nhím, một động vật mà ở nước ta không có.

2. Y học cổ truyền Trung Quốc  viết về dạ dày Nhím như thế nào?

        Như  đã nói, trong Hán ngữ, Dạ dày Nhím có tên là Hào trư đỗ 豪猪Tra cứu mục từ này trên mạng Internet, chúng tôi tìm thấy hai bài về chủ đề này. Một bài  chép ở  Trung dược đại từ điền 中藥大辭典 và một bài chép từ  bộ sách Trung Hoa bản thảo 中華本草 do Cục quản lý Trung y dược Quốc gia của Trung Quốc biên soạn, hoàn thành năm 1999. Đây là một bộ sách y dược cực kỳ to lớn, đại biểu cho trình độ tối cao và hiện đại của nền y dược học Trung Hoa, với dung lượng 24 triệu chữ, nghĩa là lớn gấp 15 lần bộ Bản thảo cương mục, tương đương với 30 triệu từ đơn âm trong tiếng Việt, gấp 10 lần bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam 4 tập hiện nay. Nói thế để thấy rằng, bộ sách này đã thâu tóm  hầu hết mọi kiến thức và kinh nghiệm về y dược học của Trung Quốc từ xưa đến nay.  

        Về vị thuốc Hào trư đỗ 豪猪tức  là Dạ dày Nhím, Trung Hoa bản thảo viết dài hơn Trung dược  đại từ điển vì có  đoạn mô tả về Nhím và môi trường sinh thái của Nhím, còn về tính chất và công dụng y dược học của Nhím thì viết giống nhau, hoàn toàn khác với  những điều đươc coi là  “lời của Lý Thời Trân trong Bản thảo cương mục”.. Bởi vì trên kia chúng tôi đã mô tả khá kỹ về Nhím cùng với môi trương sinh thái của nó nên chỉ cần  sử dụng bài của  Trung dược  đại từ điển, như sau đây là đủ.

豪猪肚  (《食疗本草》)
【来源】为豪猪科动物
豪猪的胃.
【性味】《纲目:"寒,无毒。"姚可成《食物本草》:"甘,寒,无毒。"【功用主治】清热利湿。治黄疸,水肿,脚气,奔豚。
《唐本草》:"治黄疸。
"
《食疗本草》:"理热风水胀。
"
《纲目》:"烧研,酒服,治水肿,脚气,奔豚。
"
【选方】治水病臌胀:取豪猪肚烧干,捣末细罗。每朝空心,温酒服二钱匕(《食疗本草》)
Dịch và ghi chú:                                      
Hào trư đỗ, được ghi trong “Thực liệu bản thảo” (Do Mạnh Sân孟詵 (621 – 713) thời Đường biên soạn,  đó là sách thuốc cổ   nhất của Trung Quốc hiện còn, được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học ở Đôn Hoàng năm 1907
Nguồn gốc: Là dạ dày của Nhím, động vật thuộc họ Nhím
Tính, vị : Theo Cương mục:  tính hàn, không độc;
 Theo Diêu Khả Thành, trong sách “Thực vật bản thảo   (thời Minh): vị ngot, tính hàn, không độc
Công dụng, chủ trị: thanh nhiệt lợi thấp (giải nhiệt, bớt khô), trị hoàng đản, thủy thũng, cước khí (phù hai chân), bôn đồn (bệnh do khí lạnh ở thận từ bụng dưới xông lên ngực, lên cổ họng, gây đau thắt ở  vùng bụng dưới, tức  ngực, hoa mắt, chóng mặt)
Theo “Đường bản thảo(còn gọi là “Đường tân tu bản thảo” hoặc “Tân tu bản thảo”, là một bộ sách thuốc  được biên soạn năn 659, đời vua Cao Tông, nhà Đường): trị hoàng đản
Theo “Thực liệu bản thảo”: chữa nhiệt phong thủy trướng
Theo “Cương mục”:  thiêu nghiên (đốt cháy rồi nghiền), tửu phục (uống với rượu), trị thủy thũng, cước khí,  bôn đồn
Tuyển phương (Bài thuốc chọn lọc) Trị thủy  bệnh cổ trướng (bệnh phù thũng, bụng  phình to) : lấy dạ dày nhím thiêu khô, giã nhỏ, rây mịn,  mối lần trước bữa ăn, uống 2 thìa nhỏ với rượu ấm.(theo “Thực liệu bản thảo”).
                                                                      xxx
        Người viết bài này xin phép không bình luận gì thêm, và tin rằng, mỗi độc giả đều có thể tự rút ra những kết luận bổ ích và càn thiết.tùy theo  góc nhìn của từng người.
     
Lê Mạnh Chiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét