Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Góp phần tìm hiểu sự thật về giáo sư Nguyễn Lân (4)




III.               Những sự thực đáng ngạc nhiên về  nhà giáo Nguyễn Lân

1.      “Chú giải từ tố “ và “giải thich từ nguyên”, thực chất là đoán mò và viết liều.

        Nhà giáo Nguyễn Lân được nhiều người coi là đã có cống hiến to lớn trong việc “suốt đời bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”. Chính ông cũng tự coi mình là người kiên trì bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt . Trong bài Nhớ Ba (in ở quyển Vinh quang nghề thầy, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, trang 387 – 392), PGS TS Nguyễn Lân Trung là con trai út của ông đã viết:

      .. Mặc dù cả tám anh chị em đều theo nghề dạy học của cụ, nhưng cái nghiệp chữ nghĩa thì không ai lựa chọn. Cho nên năm 1985, khi tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ đệ tam về Ngôn ngữ học tại Đại học Sorbonne – Paris, Ba tôi vui lắm và nói với cả nhà: “Thế là trong gia đình mình, ít ra có một đứa muốn cùng Ba bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”

       Ông cũng cho biết rằng, chính vì muốn “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt” một cách tích cực và  hiệu quả nhất nên ông đã dành nhiều năm cuối đời để biên soạn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt (có chú giải từ tố), rồi đến Từ điển từ và ngữ Việt Nam.
                                                                                       
       Trong Lời nói đầu của cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, soạn giả Nguyễn Lân viết:
    
       “Song hiện nay phần lớn các thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học sinh không biết chữ Hán. Nhiều người khi đọc hoặc giảng một bài văn không biết nghĩa chính xác của nhiều từ, nên có thể hiểu lầm, giảng sai. Huống chi hàng ngày ở chung quanh ta, nhiều người lẫn lộn từ nọ với từ kia như: yếu điểm với nhược điểm, báo cáo với bá cáo, giả thiết với giả thuyết, chân tu với trân tu, bàng bạc với bàn bạc, bàng hoàng với bàn hoàn, bàng quan với bàng quang, vãn cảnh với vãng cảnh. Có người đọc và viết huyên thiênhuyên thuyên, phong thanh (nghe phong thanh) là phong phanh, xán lạnsáng lạng...Nhiều người nói và viết câu kếtcấu kết... Gần đây, trên một tờ báo lớn, người ta đã viết vô hình trungvô hình chung.
       
     Để góp phần nhỏ bé của mình vào sự gìn giữ tính trong sáng của tiếng Việt và bảo đảm tính chính xác của từ ngữ, chúng tôi đã soạn quyển “Từ điển từ và ngữ Hán – Việt này.

        Ở đầu cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam, trong bài Đôi lời tâm sự thay lời tựa, ông viết:       
        Gần đây, tôi nhận thấy trên sách  báo và cả trên đài tiếng nói Việt Nam, đồng bào dùng sai nhiều từ, nhất là những từ Hán – Việt. Thí dụ, người ta nói và viết cấu kết thay cho câu kết, mãi dâm thay cho mại dâm, mãn tính thay cho mạn tính, yếu điểm thay cho điểm yếu hay nhược điểm (tuy yếu điểm lại là điểm quan trọng), vãn cảnh chùa Hương thay cho vãng cảnh chùa Hương, vô hình chung thay cho vô hình trung, huyên thuyên thay cho huyên thiên, vân vân... Mặt khác, trong các sách báo, lỗi chính tả tràn lan, rất ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt.
        Băn khoăn trước tình trạng đó, tôi thấy cần có một cuốn từ điển tương đối đầy đủ và đúng đắn, nhưng những bạn đã cùng tôi soạn cuốn Từ điển tiếng Việt đầu tiên đã có một số lớn quy tiên, còn một số thì ở xa hoặc phụ trách những công tác khác, không thể cùng nhau tập họp lại như trước được nữa. Cho nên, mặc dầu tuổi đã ngoài cửu tuần, tôi cũng đành đơn thương độc mã soạn quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam này.
        Như tên sách, không những từ điển này chỉ có những từ mà còn có cả những thành ngữ rất phong phú và gợi cảm trong tiếng nói của dân tộc.
        Để tránh sự sai lầm khá phổ biến trong việc dùng các từ Hán – Việt, tôi đã chú ý giải thích các từ nguyên.

      Ý chí “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt” của  nhà giáo Nguyễn Lân còn được nhà báo Hàm Châu nhấn mạnh trong lời kể lại cuộc trò chuyện giữa hai ông và về cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam, trong bài Nguyễn Lân và “mùa thu vàng “ sáng tạo.

-        Xin bác cho biết đôi nét về bộ từ điển lớn này
-        Khi đọc các áng văn, thơ cổ như thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán, Phan Trần, Nhị độ mai, Bích Câu kỳ ngộ...hoặc các bản dịch  thơ Đường của Phan Huy Vịnh, Tản Đà..., gặp một số từ cổ, các bạn trẻ tuối ngày nay nếu muốn tra cứu để hiểu nghĩa được tường tận, thì giở từ điển ra thường  không tìm thấy!
-        Bác có thể cho một ví dụ
-        Chẳng hạn, đứa cháu gái tôi nghe bà Quách Thị Hồ hát ca trù bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị  qua bản dịch tuyệt vời của Phan Huy Vịnh:
     Bến Tầm Dương, canh khuya vắng ngắt
     Quạnh hơi thu, hiu hắt đìu hiu
     Người xuống ngựa, khách dừng chèo
     Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty...

Cháu không hiểu “chén quỳnh” là gì, “trúc ty” là gì. Tôi nghĩ, từ điển phải giúp các cháu hiểu nghĩa các từ đó.
-        Xin bác cho biết vài đặc điểm của bộ Từ điển mà bác đang biên soạn.
-        Ngoài phần định nghĩa, còn có phần từ loại, từ nguyên. Chẳng hạn, đọc Cung oán găp hai câu thơ: 
             Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
             Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu
        Nhiều bạn trẻ ngày nay rất có thể chỉ hiểu lõm bõm những từ Hán -Việt như “tục lụy, tân khổ, thế đồ, kỳ khu...”. Cuốn từ điển của tôi sẽ giải thích kỹ càng từ nguyên của mấy từ đó. Thí dụ, từ ‘kỳ khu” gồm hai chữ Hán là ‘kỳ” và ‘khu”, vậy, “kỳ”  nghĩa là gì và ‘khu’ nghĩa là gì, rồi “kỳ khu” nghĩa là gì.
        Và để giúp bạn đọc hiểu màu sắc, âm hưởng, khả năng biểu cảm của từ, ở mỗi mục từ, tôi còn đưa vào những câu ca dao, tục ngữ có liên quan đến từ đó, cũng như những cách dùng từ rất sáng tạo của các  nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cổ, kim, chứ không tự nghĩ ra các thí dụ vụng về.
       (Trích: Kỷ yếu Hội thào NGND GS Nguyễn Lân – cuộc đời và sự nghiệp, trang 127 -128. Bài  này đã được in trong sách Trí thức tinh hoa đương đại Việt Nam, Nxb Trẻ, TP HCM, 2014),

        Những chứng cứ vừa nêu cho thấy rằng, nhà giáo Nguyễn Lân tỏ ra luôn luôn day dứt  trước hiện tượng viết sai, hiểu sai, giải thích sai các từ ngữ tiếng Việt, nhất là các từ ngữ gốc Hán. Ông coi việc sử dụng tiếng Việt không đúng là một điều nguy hại,  phải kiên quyết khắc  phục. Điều đó đã thôi thúc ông biên soạn hai cuốn từ điển kia, cũng là hai tác phẩm lớn nhất của ông. Đương nhiên,  ông hoàn toàn tin ở năng lực của mình và quyết tâm đem hết sức lực để bảo vệ tính trong sáng của tiếng Viêt, như chính ông đã khẳng định
    
         Khi đọc những lời giảng giải của ông trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam (được sao chép ở  Từ điển từ và ngữ Hán – Việt), mọi người đều kinh ngạc vì thấy quá nhiều sai lầm vượt sức tưởng tượng. Ngay cả trong một số từ mà ông nêu ra làm ví dụ về những sai lầm trong sách bào để phê phán, cũng có không ít từ mà ông vẫn hiểu sai và  giảng sai, khi thì sai nghĩa, khi thì chú giải sai các từ tố. Sau đây là một số ví  du  để minh chứng về những sai lầm đáng kinh ngạc của ông.  Chúng tôi thấy  cần  phải kèm theo chữ Hán ở các từ ngữ đang được thảo luận.
       Từ bàng hoàng được ông Nguyễn Lân giảng giải:  bàng = ở bên; bất định; hoàng = nghi hoặc; bàng hoàng = choáng váng, không ổn định tâm thần. Bàng hoàng dở tỉnh dở say (Truyện Kiều).. Các quyển từ điển chữ Hán của Trung Quốc  không giải thích như vậy
          Khi giải thíc từ bàng hoàng , Cổ kim Hán ngữ từ điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2000) và các từ điển khác của Trung quốc đều không nêu nghĩa của từng từ tồ bàng hoặc  hoàng và cho biết rằng, trước  đây cũng viết là 旁皇,  仿偟,  方皇, mà người  Bắc  Kinh đọc các từ này là páng huáng (tương ứng với âm Hán – Việt là bàng hoàng). Chỉ có các từ 彷徨, 旁皇,  thì người Việt Nam mới đọc là bàng hoàng, còn các từ 仿偟,  方皇 thì người Bắc Kinh vẫn đọc là páng huáng nhưng âm Hán – Việt của chúng lại là phảng hoàngphương hoàng. Điều đó xác nhận rằng, nghĩa của từ bàng hoàng là do âm hưởng của cả hai âm tố sinh ra chứ không phải do nghĩa của hai từ tố hợp lại. Bởi vậy, khi giảng giải về từ bàng hoàng thì không được phép “mổ xẻ” hai từ tố bànghoàng như nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân đã làm. Theo từ điển này, từ  bàng hoàng có hai nghĩa: do dự, không nhất quyết; tâm thần bất định, đứng ngồi không yên. Tuy định nghĩa của soạn giả Nguyễn Lân ứng với nghĩa thứ hai và phù hợp với cách dùng ở Việt Nam hiện nay, nhưng ông đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong việc  “chú giải từ tố”                                       
         Ở từ bàn hoàn  盘 桓, nghĩa là lo  nghĩ quanh quẩn không dứt ra được (gần giống với bồi hồi) hoặc quấn quít không rời nhau, thì đúng là có sự tổ hợp ngữ nghĩa của hai từ tố. Bàn = quanh quẩn; hoàn = cây nêu, cây cột biểu trưng.
Hoa biểu (hoàn biểu) ở Thiên An Môn
    Theo Cổ kim Hán ngữ từ điển thì  hoàn là cây cột mà thời xưa người ta dựng lên trước các dịch trạm (trạm chuyển đạt công văn), các công sở, đền đài, cung điện, lăng mộ, v.v. để quy định vị trí đứng đợi, còn gọi là hoàn biểu, về sau được gọi là hoa biểu 華表, ví dụ,  Hoa biểu ở Thiên An Môn (xem hình bên).  
      Vậy, từ bàn hoàn có nghĩa đen là luẩn quẩn xung quanh một cột mốc cố định để ngóng chờ, nghĩa bóng là đeo đẳng không rời một ý nghĩ nào đó. Tuy giảng đúng nghĩa của từ bàn hoàn: Quanh quần không dứt ra được. Nỗi riên riêng những bàn hoàn (Truyện Kiều). Quấn quít với nhau. Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn (Truyện Kiều),  nhưng, khi “chú giải từ tố” (điều mà soạn giả coi là phần đặc sắc nhất trong từ điển của mình), ông giải thích rằng, hoàn = uốn éo thì hoàn toàn sai, Đó chỉ là sự đoán mò, nói liều.

       Từ bàng bạc cũng không thể “mổ xẻ” được. Theo Cổ kim Hán ngữ từ điển,  từ  này có thể viết là 旁 薄 hoặc 磅 礴,. Tức  là, nghĩa của  nó cũng do âm hưởng của hai âm tố bàngbạc tạo nên chứ không phải do sự tổ hợp các  nghĩa của hai từ tố này. Bởi vậy, không được phép “mổ xẻ” tách rời chúng để cắt nghĩa từng từ tố rồi “tổng hơp” lại, vì ở đây không có sự phối hợp nghĩa của hai từ tố. Ngoài ra, lời giảng của ông Nguyễn Lân (cho rằng, bàng = rộng lớn; bạc = đầy bốn mặt) là một sự bịa đặt liều lĩnh. Chữ bàng có nghĩa là bên canh chứ không có nghĩa là rộng lớn; chbạc có nghĩa là mỏng, nhạt, sơ sài... chứ không có nghĩa là đầy bốn mặt . Các từ tố bàng hay bạc đều chẳng có nghĩa gì cả. Chúng được tạo ra chỉ để viết từ bàng bạc 磅 礴 mà thôi.
         Các từ bồi hồi 徘徊, phảng phất  彷佛 cũng thuộc loại như  bàng hoàng hay bàng bạc. Chúng đều bị nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân “mổ xẻ” một cách phi pháp rồi bịa đặt nghĩa cho từng từ tồ.
        Hộc tốc 觳觫 cũng là một từ gồm hai âm tố không thể tách rời. Chữ hộc tuy có nghĩa là cái hộc, một dụng cụ để đong (1 hộc = 10 đấu; 1 đấu xấp xỉ  bằng 2 lít), chữ tốc tuy có nghĩa là cái sừng non mới nhú, nhưng nghĩa của từ hộc tốc 觳觫 là do cả hai âm tố tạo nên chứ không phải là sự phối hợp nghĩa của hai từ tố.  Vậy mà trong Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, soạn giả đã liều lĩnh mà giảng rằng, hộc = sợ hãi; tốc = sợ, còn  trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì lại giảng rằng, tốc = nhanh. Điều đó chứng tỏ rằng, ông Nguyễn Lân chỉ đoán mò nên nay đoán thế này, mai đoán thế kia, không tra cứu gì cả. Cổ kim Hán ngữ từ điểnTừ nguyên đều giảng rằng, hộc tốc 觳觫 nghĩa là run rẩy vì sợ hãi. Sang tiếng Việt, từ  hộc tốc có nghĩa tương tự như tức tốc, nghĩa là rất vội vã.
       Việc giảng sai nghĩa của các từ tố đã xẩy ra thường xuyên, liên tục suốt cả cuốn Từ điển từ và ngữ Hán-Việt và chuyển trọn vẹn sang Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Sau đây là một ví dụ về  sai lầm của nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân.trong việc chú giải từ tố và giải thích từ nguyên.
      Từ ác ôn trong tiếng Việt vốn là ác côn (do bị biến âm chút ít mà thành ra ác ôn), trong đó, từ tố côn có nghĩa gốc là cái gậy, nghĩa bóng là kẻ lêu lổng hay gây sự (như trong các từ côn đồ, du côn). Giảng rằng, ác ôn = kẻ hung dữ gây nhiều tội ác với nhân dân thì đúng rồi, chỉ có điều là không cần có mấy chữ với nhân dân (Có lẽ là để chứng tỏ lập trường tư tưởng rất vững vàng của soạn giả). Nhưng, vì không biết rằng, ác ôn vốn là  ác côn  nên khi “chú giải từ tố” thì soạn giả Nguyễn Lân đã đoán mò, cho rằng, ôn là bệnh dịch.
       Ở từ anh hùng, nhà giáo Nguyễn Lân đã giảng đúng nghĩa của từ tố thứ nhất (anh = người tài năng xuất chúng), còn từ tố thứ hai là hùng  thì ông giảng là loài thú khỏe nhất!  Trong Hán ngữ có chữ hùng nghĩa là con gấu, nhưng chữ hùng trong từ anh hùng thì khác hẳn, có nghĩa là người tài giỏi, dũng cảm, mạnh mẽ. Chữ hùng  cũng có nghĩa là quốc gia cường thịnh, ví dụ như cụm từ “Chiến quốc thất hùng”  dùng để chỉ bảy nước mạnh nhất ở thời Chiến quốc.
      Về từ côn quang, trong Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, soạn giả giải thích: côn = đồ vô lại; quang =  cây gỗ; côn quang =  kẻ vô lại hung dữ.. Nhưng, trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì ông lại giải thích ràng, quang nghĩa là hung dữ.  Cách giải thích tùy tiện mỗi nơi một khác như vậy chứng tỏ soạn giả chỉ biết đoán mò, nói bậy và hết sức thiếu trách nhiệm. Ông không biết chữ Hán, không tra cứu được từ điển chữ Hán thì đã đành, mà ông còn không hiểu gì về cách cấu tạo của một từ phức hợp trong Hán ngữ. Theo ông thì quang = hung dữ, là một tính từ .Nó là từ tố đứng sau nên nó cũng là từ tố chính trong từ côn quang, vậy thì côn quang cũng phải là một tính từ chứ.  Nhưng, theo định nghĩa của ông, côn quang  = kẻ vô lại hung dữ , lại là một danh từ. Đành rằng, trong tiếng Việt, người ta vãn sử dụng từ côn quang, với nghĩa là kẻ lang thang lêu lổng bất lương, là tên lưu manh (như ở câu “Khuyển Ưng lại lựa một bầy côn quang” trong Truyện Kiều), nhưng muốn giải thích từ nguyên thì phải tra cứu ở các.từ điển Hán ngữ cỡ khá lớn. Trong Hán ngữ không có từ côn quang , mà chỉ có từ quang côn .  Ở từ ác ôn (nguyên là ác côn ) vừa được nói đến trên đây, độc giả đã biết rằng, từ tố côn có nghĩa gốc là cây gậy và nghĩa mở rộng là kẻ lang thang lêu lổng. Từ tố quang , ngoài  nghĩa thông thường nhất là ánh sáng (danh từ) hoặc sáng (tính từ), còn có rất nhiều nghĩa khác.  Cổ kim Hán ngữ từ điển của Thương vụ ấn thư quán nêu ra 15 nghĩa của chữ quang , trong đó có nghĩa thứ 8 là trần trụi, trơ trọi, và đó chính là nghĩa của từ tố quang trong từ quang côn , ban đầu dùng để chỉ  người đàn ông không vợ không con, không nhà cửa, và về sau có nghĩa là kẻ vô lại, kẻ lưu manh.
       Theo từ điển Từ nguyên, từ Dạ hợp 夜合 (đồng nghĩa với từ hợp hoan 合歡; dạ = ban đêm; hợp = khép, khít) có hai nghĩa: u Cuộc vui ống rượu (liên hoan) ban đêm; v  Tên một loài hoa, cây thân gỗ, là dài, màu xanh nhạt, ban ngày nở, ban đêm khép lại, do đó mà có tên ấy (Nguyên văn trong Từ nguyên: "mộc bản, diệp trường, hoa thanh bạch sắc, hiểu khai dạ hợp, cố danh"). Buồn thay, soạn giả Nguyễn lân vốn quen đoán mò nói liều nên đã  phán rằng: dạ = đêm; hợp = thích hợp; dạ hợp = loài cây cùng họ với ngọc lan, hoa trằng thơm, nở về ban đêm.! Nếu thề thì phải gọi là dạ khai chứ! Ngay trong từ thích hợp, từ tố hợp cũng có nghĩa khít. Thích nghĩa là vừa đúng, rồi mở rộng ra là vừa lòng, vừa ý; thích hợp nghĩa là vừa khít (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
        Ở từ đại sứ 大使 , từ tố đại  nghĩa là lớn thì ông đoán mò rồi nói liều  rằng,  đại là thay thế (). Theo ông thì  đại sứ là “viên chức ngoại giao đại diện cho một nước bên cạnh chính phủ của một nước khác” cho nên từ tố “đại” có nghĩa là thay thé, là đại diện. Ông không biết rằng, từ tố “sứ’ đã nói lên  tư cách “đại diện” cho một nước rồi. Đáng lẽ nên viết rằng, “đại sứ là người đại diện ngoại giao ở cấp cao nhất của một nước ở nước ngoài, thay mặt nguyên  thủ quốc gia trong việc giao thiệp với nước sở tại”. Chữ đại   chính là để thể hiện cái cưong vị ở cấp cao nhất .
       Tiếp đến từ đại sứ quán (trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam), soạn giả Nguyễn Lân cũng rất liều khi giảng rằng, quán nghĩa là cơ quan. Đành rằng, trong trường hợp cụ thể này thì viết như vậy cũng không làm sai nghĩa của từ đại sứ quán 使 , nhưng khi đã có chủ ý “chú giải từ tố” thì phải nêu thật sát nghĩa của từng từ  tố rồi mới nói đến nghĩa hẹp, nghĩa bóng, nghĩa mở rộng,  v.v. Chữ quán có nghĩa gốc là nhà hàng ăn uống, vì nó được cấu tạo từ chữ thực (nghĩa là ăn, để gợi ý) và chữ quan (để gợi âm). Về sau, nghĩa của nó được mở rộng thêm, kiêm cả nghĩa  là nơi tiếp đãi khách khứa, là trú sở (người ta quen gọi là trụ sở), tức là nơi làm việc của một cơ quan (như trong các từ Quốc sử quán, Đại sứ quán, v,.v.). Trước sau, quán vẫn là một vật thể kiến trúc, còn cơ quan là đơn vị trong bộ máy nhà nước hoặc đoàn thể.
       Nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân đã nhiều lần lên tiếng dạy bảo rằng, nói và viết yếu điểm thay cho điểm yếu hay nhược điểm là sai, bởi ví  yếu điểm nghĩa là điểm quan trọng.   mục từ yếu điểm trong cả hai cuốn từ điển của ông đều có câu: Chớ lầm yếu điểm với điểm yếu. Đúng vậy,  bởi vì yếu điểm là một từ Hán – Việt, từ tố yếu (đứng trước) bổ nghĩa cho từ tố điểm (đứng sau), mà trong Hán ngữ thì chữ yếu có nghĩa là quan trọng, cho nên yếu điểm có nghĩa là điểm quan trọng, và nhược điểm mới có nghĩa là điểm yếu. Với cách cấu tạo từ  tương tự như vậy, chứng nhân nghĩa là người làm chứng, và không đươc lẫn lộn với nhân chứng (nghĩa là chứng cứ mà con người biết được). Buồn thay, nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân không phân biệt được hai từ này. Ông đã đưa ra các định nghĩa kèm theo ví dụ (bằng dòng chữ in nghiêng): chứng nhân = Người làm chứng. Ai là chứng nhân của vụ giết người ấy? nhân chứng = Người làm chứng trong một vụ tranh chấp. Tòa án đã mời các nhân chứng phat biểu.  Sự thực thì tòa án không thể mời các nhân chứng phát biểu (vì nhân chứng là loại chứng cứ bằng lời chứ không phải  là con người). mà chỉ có thể đưa ra các chứng cứ để luận tội. Có hai loại chứng cứ:  u Trước hết là loại chứng cứ do những người chứng kiến và xác mính sự việc (tức là các chứng nhân) thuật lại, gọi là  nhân chứng. v Loại chứng cứ thứ hai là  những hiện vật liên quan đến sự việc, gọi là vật chứng, có thể là những đồ vật liên quan với những người dính líu đến sự việc (như hung khí, quần áo, đồ dùng...) hoặc mang dấu vết của sự việc (như dấu vân tay,  các vết chém hay  vết cháy trên các đồ vật, ...),  hay là  những hình ảnh hoặc âm thanh được ghi lại khi sự việc xẩy ra, hay là kết quả xét nghiệm AND, v.v.   Khi có sự chối cãi của bị cáo thì Tòa án mời các chứng nhân ra để trình bày lại các chứng cứ một cách cụ thể hơn. Theo Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (Kiêm tác Hán – Anh từ điển) của Trung Quốc do Vương Đồng Ức chủ biên  thì chứng nhân (証人) = witness = 证明案件事实的人 = người chứng minh sự thực trong vụ án;  nhân chứng (人証) =.testimony of a witness = 诉讼时以人的陈述为证据 (区別于物证) = việc lấy lời kể của con người để làm chứng cứ trong vụ  kiện cáo (phân biệt với vật chứng).
       Trong những từ chỉ người mà có hai từ tố, trong đó có từ tố nhân thì từ tố  nhân luôn luôn đứng sau. Nguyên tắc cấu tạo từ trong Hán ngữ đòi hỏi như vậy. Ví dụ: văn nhân (= nhà văn), thi nhân (= nhà thơ),  mỹ nhân (= người đẹp), yếu nhân (= nhân vật quan trọng), tội nhân (= người có tội), phạm nhân (người phạm pháp), tù nhân (= người tù),  dị nhân (= người khác thường), v.v. Lẽ nào nhân chứng cũng là chứng nhân, như lời giảng của  nhà giáo Nguyễn Lân?
         Theo nguyên tắc đó thì phải phân biệt giữa tình nhân (= người tình, người yêu) và  nhân tình (= tình người, tức là tình cảm của con người, là mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người với nhau, là thiện ý củn con). Vậy mà Từ điển từ và ngữ Việt Nam đã giải thích như sau:
    nhân tình dt (H. nhân: người; tình: tình cảm) 1. Người yêu;  2. Tình cảnh của con người.
      Cũng theo từ điển của Nguyễn Lân  thì tình cảnh = tình hình và cảnh ngộ thường có khó khăn  Cả  hai nghĩa này đều sai, và định nghĩa như vậy về từ  tình cảnh cũng sai.  
       Đành rằng, hiện nay rất nhiều người và cả trên sách báo, đài phát thanh, đài truyền hình... thường nói sai, viết sai và hiểu sai các từ nhân chứngnhân tình, cho rằng nhân chứng nghĩa  là người làm chứng và nhân tình nghĩa là người yêu. Nhưng đó là sự hiểu sai, viết sai, nói sai, cùng một dạng sai giống như ở trường hợp hiểu, nói và viết yếu điểm thay cho  điểm yếu mà nhà giáo Nguyễn Lân đã cực lực phê phán, vậy mà ông vẫn mắc phải.
       Theo lời nhà báo Hàm Châu, nhà giáo Nguyễn Lân biên soạn Từ điển từ và ngữ Việt nam để giúp các bạn trẻ hiểu những từ ngữ cổ và khó “khi đọc các áng văn, thơ cổ như thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán, Phan Trần,...”. Tưởng chừng đây là  ý tưởng lành mạnh, tích cực của một soạn giả rất thông thái. Nhưng sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Ví dụ, ở từ cửa viên, ông đã giải thích, nguyên văn  như sau ;
      cửa viên: dt  (Dịch từ chữ Hán: Viên môn) Nơi đóng quân của một vị tướng () : Điểm danh trước đã chực ngoài cửa viên (K).                                                                                                             
      Ghi chú:  dt = danh từ; (K) = Truyện Kiều. Danh từ  cửa viên còn xuất hiện trong Truyện Kiều ở câu 2380 (Cửa viên lại dắt một dây dẫn vào) và câu 2512 (Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên)
        Ở từ viên môn (không có trong Từ điển từ và ngữ Hán – Viêt, chỉ có trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam) soạn giả giải thích; viên = người giữ chức vụ; môn = cửa; viên môn = dinh một ông tướng. Rồi ông đưa ra một câu ví dụ: Lệnh truyền đi từ viên môn vị tướng.
       Không đúng. Theo từ điển  Từ nguyên, Chữ viên ở đây (có tự dạng và nghĩa khác chữ viên để chỉ người) nghĩa là bộ càng xe gồm hai thanh gỗ dài gắn ở phía trước chiếc xe lớn để cho ngựa kéo. Thời xưa, ở Trung quốc, các bậc đế vương đi xem xét ở các địa phương, khi nghỉ lại thì xếp xe xung qunh làm hàng rào, chừa một lối để ra vào, hai bên cho xe chổng càng  lên để  làm cổng, cổng ấy gọi là  Viên môn 轅 門.Về sau, cổng dinh của các quan lớn hoặc của các ông tướng cũng được gọi là viên môn. Từ “cửa viên” ở các câu thơ của  Nguyễn Du trong Truyện Kiều nghĩa là cái cổng ở dinh của ông tướng tại nơi đóng quân.
      Từ viễn phố (trong câu thơ của Bà huyện Thanh quan: Gác mái, ngư ông về viễn phố) đã được nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân đã giảng giải rằng, viễn là xa;  phố là chỗ bán hàngviễn phố =  chỗ bán hàng ở xa. Đến đây thì không thể nào tưởng tượng nổi sự thông thái của “Giáo sư” Nguyễn Lân nữa rồi. Bà Huyện Thanh Quan sử dụng chữ  phố nghĩa là cửa sông hoặc bến sông chứ không phải phố   là cửa hàng. Viễn phố nghĩa là bến sông ở xa. Nếu Bà sống lại thì  cả ông Nguyễn Lân và cả Nhà xuất bản đã ấn hành từ điển của ông đều khó mà tránh khỏi sự trách mắng.
        Không những Bà Huyện Thanh Quan mà cả “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương cũng không thể tha thứ cho nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân về tội xuyên tạc thơ của bà do viết sai chính tả. Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, ở mục từ chiêu mộ. ông giải thích: chiêu mộ  dt (H. chiêu: sơm; mộ: tối) = Sáng và tối. Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng (HXHương). Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ có  thể nói: Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng, bởi vì trong Hán ngữ, phải là  chữ triêu mới có nghĩa là sáng sớm.
       Nhà giáo Nguyễn Lân luôn luôn tự nhận mình là kẻ suốt đời  “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Viêt”, nhưng  chính ông là người  xuyên tạc, phá hoại tiếng Việt một cách thường xuyên, trắng trợn  và thô bạo nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét