Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Góp phần tìm hiểu sự thật về giáo sư Nguyễn Lân (5)




2.     Sự trái ngược giữa lời dạy và việc làm của nhà giáo Nguyễn Lân
    
         Tại trang 64 – 65 trong  quyển Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960), nhà giáo Nguyễn Lân đã viết:

      Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa chỉ học tập chủ nghĩa Mác-Lênin không, không đủ! Công việc chính của người thầy giáo là giảng dạy, là vũ  trang cho học sinh những tri thức khoa học tiên tiến nhất, để hình thành ở họ thế giới quan khoa học, để, trên cơ sở những tri thức đó, xây dựng cho họ những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho đời sống.  Vậy, dạy môn nào, người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải nắm vững bộ môn ấy. Nếu dạy một không thể biết mười thì ít nhất người thầy giáo cũng phải biết hai, ba chứ dạy bài nào mà chỉ biết bài ấy thì thực là nguy hiểm, vì không những chẳng giải đáp được thắc mắc của học sinh mà lại còn dế dàng nói sai sự thật và phản lại khoa học. Ta nên nhớ rằng mỗi lời thầy giáo nói ra là bốn, năm chục học sinh chú ý nghe; thầy dạy một điều sai là bốn năm chục bộ óc bị đầu độc; như thế thì không những đã chẳng dạy được gì thêm, lại còn khiến học sinh  có những khái niệm không đúng cần phải gột rửa đi nữa.
        Ngoài bộ môn mình phụ trách, người thầy giáo xã hội chủ nghĩa còn phải nắm được các bộ môn khác nữa: tối thiểu, trình độ văn hóa phổ thông của người thầy giáo, về mọi ngành tri thức, phải không được thấp hơn trình độ học sinh ở cấp mình giảng dạy. Thí dụ, một giáo viên  về Việt văn ở lớp tám ít ra cũng phải nắm được những bộ môn khoa học tự nhiên của cấp III; có như thế thì khi giảng dạy Việt văn mới có thể đưa ra những dẫn chứng cụ thể.
      Hơn nữa, người thầy giáo xã hội chủ nghĩa lại còn phải tìm hiểu những phát minh mới nhất của nhân loại, còn phải tìm đọc những tác phẩm hay nhất mới xuất bản. Thí dụ; một giáo sư về sử học không thể ỷ vào môn học của mình dạy mà chẳng biết gì đến năng lượng nguyên tử, đến vệ tinh nhân tạo, đến tên lửa vũ trụ;  một giáo sư về toán học không thể chẳng biết gì đến quyển tiểu thuyết hay nhất trong nước hay là ở các nước bạn.
      Cho nên vai trò của người thầy giáo trong nhà trường và trong xã hội đòi hỏi một vốn tri thức càng ngày càng phong phú hơn, càng ngày càng mới hơn.                     
      Thật là những lời vàng ngọc. Nếu mọi thầy giáo đặt cho mình nhiệm vụ luôn luôn học hỏi để nâng cao kiến thức nhằm phục vụ đắc lực cho việc giảng dạy như lời của nhà giáo Nguyễn Lân thì chất lượng giáo dục trong nhà trường hẳn là không thể chê vào đâu được.  Có lẽ ngoài nhà giáo Nguyễn Lân thì chẳng thầy giáo nào nghĩ được , viết được và dám viết những lời  như thế.  
      Nhưng, mọi người phải thất vọng biết bao khi đọc những định nghĩa hay những lời chú giải  ở nhiều từ ngữ thuộc các bộ môn toán học, vật lý học, hóa học, sinh vật học, lịch sử ...  trong  Từ điển từ và ngữ Việt Nam của ông. Xin nêu một số chứng cứ trên “giấy trắng mực đen”. Ở mỗi từ, câu định nghĩa của nhà giáo Nguyễn Lân sẽ được gạch dưới, và câu ví dụ của ông sẽ được ghi bằng chữ nghiêng. Tiếp đó là nhận xét của người viết bài này.
  Ấu trùng = u Động vật nhỏ ở thời kỳ mới sinh  Ấu trùng của chuồn chuồn;  v tt Mới đẻ. Rằng con đương độ ấu trùng, xa xôi non nước lạ lùng biết sao. (Trê cóc). Không phải động vật nhỏ nào cũng sinh ra ấu trùng. Định nghĩa như vậy thì quá mù mờ và dẫn đến sự hiểu sai.   Ít nhất cũng phải nêu được mấy ý như sau: Ấu trùng là dạng tự do mới ra khỏi trứng của một số động vật cấp thấp như côn trùng, ếch nhái, và phải trải qua thời kỳ biến thái mới đạt đến dạng trưởng thành.  Ấu trùng bao giờ cũng chỉ là danh từ, không phải là tính từ với nghĩa là mới đẻ . Cái trứng cóc đã nở ra ấu trùng cóc đầy thôi.
   Ðịa Trung Hải  = Biển ở giữa lục địa.  Biển Ca-xpiên là một địa trung hải. Đành rằng, Địa Trung Hải nghĩa là biển ở trong lục địa., nhưng nhóm từ này đã trở thành tên riêng để chỉ một biển có diện tích 25 triệu kilomet vuông, nằm ở phía nam Châu Âu, phía bắc Châu Phi, phía tây Châu Á, thông với Ðại Tây Dương qua eo biển Gibraltar và thông với Biển Ðỏ qua kênh đào Suez  Soạn giả đã đã không nói đến Ðịa Trung Hải với tư cách một địa danh rất quan trọng trên bản đồ thế giới, mà đã biến danh từ riêng này thành một danh từ chung, với nghĩa là cái hồ lớn!      
   Đô hộ = Thống trị và áp bức bóc lột. Trong gần một trăm năm, nước ta ở dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Không đúng. Trong từ này, theo từ điển Từ hải,  đô nghĩa là toàn bộ; hộ nghĩa là bảo vệ, là trông nom. Theo từ điển Từ hải, đô hộ nghĩa là tổng giám, tức là giám sát toàn bộ chứ không hề có nghĩa là áp bức bóc lột.  Đó là tên một chức quan. Hán Tuyên Đế (ở ngôi từ 74 đến năm 49 TCN) thiết lập chức Tây vực Đô hộ, là chức trưởng quan cao nhất ở vùng Tây vực. Nhà Đường đặt các chức An Đông đô hộ, An Tây đô hộ, An Bắc đô hộ, và  An Nam đô hộ, là viên quan cao nhất thống trị nước ta. Do đó, trong tiếng Việt, từ  đô hộ  được hiểu là thống trị. Nhưng, là người biên soạn từ điển từng nhấn mạnh việc « chú giải từ tố » và « giải thích từ nguyên » thì không thể giải thích tùy tiện.
   Đồng điếu dt = Đồng nguyên chất màu đỏ. Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà (cd). Không đúng. Đồng điếu là một hợp kim tự nhiên của đồng, mà  thành phần phối hợp quan trọng nhất là thiếc, và có thể có nhiều  nguyên tố khác nhưng không có kẽm. Gọi là  hợp kim tự nhiên là vì thành phần của  nó được quyết định bởi  kinh nghiệm pha trộn loại quặng chứa đồng và  loại quặng chứa thiếc, còn các thành phần khác thì người ta  không  thể biết và  không  thể điều chỉnh được. Đây là  một trong  hai dạng hợp kim của đồng được sử dụng rộng rãi trong đời sống từ xa xưa đến ngày nay, có đặc điểm  là cứng và dễ đúc.  Dạng hợp kim kia gọi là đồng thau thì không chứa thiếc mà lại chứa kẽm, có đặc tính là dễ dát  mỏng vì mềm dẻo,  thường dùng để  làm chậu, làm  mâm nhưng  không thể đúc được vì  khi nung chảy  thì nios rất quánh, rất  khó chảy vào các ngóc ngách của  khuôn đúc. Câu ca dao mà ông Nguyễn Lân nêu ra cũng cho thấy rằng, đồng điếu là một sản phẩm mà dân gian đã sử dụng từ lâu, khi mà người ta chưa hề có các  khái niệm về hỗn hợp và hóa hợp, về đơn chất, hợp chất, về các nguyên tố, v.v.. khi mà trình độ luyện kim còn hết sức thô sơ, làm sao có thể nghĩ đến cái gì nguyên chất hay không nguyên chất. Từ khi biết sử dụng phương pháp điện phân (cuối thé kỷ 19, ở Pháp), các  nhà bác học mới biết cách tinh luyện đồng tương đối nguyên chất. Ở Việt Nam hiện nay (đầu thế kỷ 21) vẫn chưa có nơi nào tinh chế được đồng nguyên chất (may ra chỉ có mô huinhf trong phòng thí nghiệm). Định nghĩa do nhà giáo Nguyễn Lân đưa ra là hoàn toàn sai, nhưng điều đáng buồn hơn là, nó chứng tỏ rằng, ngưởi đưa ra định nghĩa đó thiếu hẳn sự  hiểu biết về lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại.  
   Giám quốc  = Từ cũ chỉ tổng thống một nước cộng hòa tư sản . Hồi đó Clémenceau mật chức giám quốc nước Pháp. Định nghĩa này rất sai và chứng tỏ rằng soạn giả vừa kém tiếng Việt vừa kém hiểu biết về lịch sử. Cứ dựa theo các từ tố (giám = trông coi ; quốc = nước, quốc gia) thì cũng đủ hiểu rằng,  Giám quốc là người cầm quyền ở một nước quân chủ thay nhà vua (khi  vua vắng mặt). Từ điển Từ nguyên của Trung Quốc đã nêu định nghĩa như thế. Cũng có trường hợp, vua mới lên ngôi còn quá nhỏ thì Hoàng tộc cũng chọn một người làm giám quốc. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi vua nhà Thanh khi mới hai tuổi, Hoàng tộc đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc. Ở nước ta cũng đã từng có chức giám quốc. Cuối năm 1787, Vũ Văn Nhậm theo lệnh của Nguyễn Huệ ra bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (con vua Lê Hiển Tông, chú của Lê Chiêu Thống) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu viện quân Thanh.  Khi Nguyễn Huệ ra bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc. Trước đây, từng có người gọi tổng thống nước Pháp là giám quốc vì họ chưa biết từ tổng thống. Trong Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, soạn giả Nguyễn Lân còn viết rằng, Ngày nay người ta dùng từ  tổng thống  để thay từ giám quốc. Thử hỏi, có thể gọi Tải Thuần hay Lê Duy Cận là tổng thống hay không ?
    Ngọc tỉ = Ấn của nhà vua. .Bảo Đại đã giao ngọc tỉ cho đại diện của chính phủ cách mạng, khi tuyên bố thoái vị, Soạn giả Nguyễn Lân chú giải: tỉ = cái ấn. Nếu thế thì ngọc tỉ là cái ấn bằng ngọc, dù là của ai cũng vậy chứ không phải chỉ của nhà vua. Theo từ điển Từ nguyên thì từ thời Tần – Hán về sau, chỉ riêng cái ấn của Hoàng đế mới gọi là tỉ , và ngọc tỉ nghĩa là Hoàng đế chi ngọc ấn, tức là ấn bằng ngọc của hoàng đế. Đã là từ điển, lại có chú giải từ tố  thì phải chính xác, nên phải giải thích: tỉ là cái ấn của Hoàng đế, ngọc tỉ là cái ấn bằng ngọc của Hoàng đế.  Trong lịch sử Việt Nam chưa thấy ở đâu nói đến ngọc tỉ. Hoàng đế Bảo Đại chỉ có cái ấn bằng vàng, không hề có ấn ngọc, sao ông có thể giao ngọc tỉ cho đại diện của chính phủ cách mạng.
    Nhãn áp = Áp suất của máu ở mắt.  Sai hết sức nghiêm trọng. Nhãn áp là áp suất  trong nhãn cầu, Nên nhớ rằng, nhãn cầu (ocular bulb, globe oculaire) không chứa máu mà chứa một chất lỏng trong suốt, cho nên cũng có thể nói: Nhãn áp là áp suất của chất lỏng trong nhãn cầu.
    Nhiệt hạch  dt = nhiệt  phát ra từ sự phá hủy hạt nhân nguyên tử . Nhiệt hạch là một nguồn năng lượng rất lớn. Sai nghiêm trọng! Nhiệt hạch là một từ được sử dụng ở Trung Quốc và Việt Nam để dịch từ thermonuclear trong tiếng Anh hoặc thermonucléaire trong tiếng Pháp, nghĩa là liên quan với quá trình kết hợp hạt nhân của các nguyên tố nhẹ ở nhiệt độ rất cao . Đó là một tính từ (chứ không phải là danh từ như ông Nguyễn Lân đã dạy) để tạo thành các từ phức hợp như năng lượng nhiệt hạch, vũ khí nhiệt hạch, chiến tranh nhiệt hạch, v.v.
   Phức số = Số tính không theo hệ thập phân. Số giờ tình ra phút là một phức số. Sai hoàn toàn. (Sai như thế nào, xin mời quý vị xem ở từ Số phức  ở dưới đây. Phức số cũng chính là  Số phức. Các từ tố phứcsố tuy cố nguồn gốc từ Hán ngữ nhưng đã Viêt hóa hoàn toàn nên chúng có thể ghép với nhau theo trật tự của Việt ngữ thì thành ra từ số phức, nếu theo trật tự của Hán ngữ thì thành ra từ phức số).  Số đếm không theo hệ thập phân có thể là số nhị phân, số tam phân, v.v., cách gọi tên phụ thuộc vào cơ số của hệ đếm, tùy từng trường hợp. Số đếm giờ, phút giây được tính theo hệ lục thập phân.
    Số phức = Tổng của một số thực và một số ảo. 6 giờ 20 phút 12 giây là một số phức . Câu định nghĩa tuy không sai nhưng chưa đầy đủ và không chặt chẽ. Phải định nghĩa như sau:  Số phức (hay phức số) là một số có dạng  X = A + Bi, trong đó, A và  B là những só thực, i gọi là đơn vị ảo; i2 = - 1. Còn câu ví dụ thì sai hoàn toàn và không liên quan gì với câu định nghĩa. Điều đó chứng tỏ rằng soạn giả chỉ biết nhặt nhạnh sao chép của người khác mà không hiểu  gì cả. Bởi vậy, tuy từ phức số cũng là một cách gọi khác của từ  số phức nhưng lại được soạn giả gán cho một định nghĩa và một ví dụ khác hẳn. 
    Số thực = Số dương hoặc số âm biểu  thị bằng một số thập phân vô hạn. Số hữu tỉ hay số vô tỉ đều là số thực. Vậy thì các số nguyên không phải là số thực hay sao? Định nghĩa như thế không đúng, mà phải nói rằng: Số thực tên gọi chung của tất cả các số hữu tỉ và số vô tỉ., phân biệt với số ảo.  Một điều đáng chú ý là, trong Từ điển t ừ và ngữ Việt Nam, soạn giả Nguyễn Lân nói đến số hữu tỉ, số vô tỉ, số thực, số phức nhưng không nhắc đến số ảo. Vì sao? Vì ông không hiểu gì về các loại số trong toán học..
    Số vô tỉ = Số không thể biểu diễn được dưới dạng một số nguyên hay một phân số. a2  là một số vô tỉ. Định nghĩa về số vô tỉ như thế thì không sai nhưng ví dụ thì chẳng liên quan gì với định nghĩa, và sai hoàn toàn, chứng tỏ soạn giả chỉ biết sao chép mà hoàn toàn không hiểu gì cả.  Số vô tỉ  là số mà nếu viết dưới dạng phân số thập phân thì sẽ là một số vô hạn không tuần hoàn, ví dụ: 2  =  1, 414 213562373095.....; số pi :   π = 3,14159 26535 89793 23846..., là những số vô tỷ.
  Thạch anh (thạch: đá; anh; tốt đẹp) = khoáng chất dạng kết tinh, trông óng ánh. Vách hang lấp lánh như thạch anh. Định nghĩa như vậy quá mơ hồ, không nêu được những tính chất đặc trưng của thạch anh để phân biệt với các khoáng vật khác.  Câu ví dụ cũng rất gượng ép. Có thể định nghĩa ngắn gọn như sau: thạch anh = dạng kết tinh phổ biến của oxid silic SiO2, trong suốt, không màu hoặc có các màu nhạt, rất cứng và giòn, là thành phần cấu tạo chủ yếu của các loại đá kết tinh (như đá hoa cương...), của một số đá trầm tích (như sa thạch...)  và của đa số các loại cát.
  Thạch tín  (thạch: đá; tín: tin) = Hợp chất của a-xen chứa nhiều chất độc. Thạch tín thường được goi là nhân ngôn. Định nghĩa này không ổn. Trước hết, đây là một khoáng vật, dạng bột. Nó là một chất độc  chứ không phải chứa nhiều chất độc. Nếu chú giải rằng, thạch nghĩa là đá, tín nghĩa là tin, rồi coi đó là việc giải thích từ nguyên thì thật là chướng, bởi vì như vây thì hai từ tố đó chẳng nói lên điều gì cả, thà đừng cắt nghĩa các từ tố còn hơn. Trong Hán ngữ không có từ thạch tín mà chỉ có từ tín thạch. Tín thạch 信石 là một khoáng vật dạng bột, màu trằng, không có mùi, có công thức là As2O3, tức là trioxid arsenic, rất độc, có thể làm chết người. Gọi là tín thạch vì nó được tìm thấy ở Tín Châu, thuộc tỉnh Giang Tây ở Trung Quốc, được sử dụng trong Đông y để điều trị ung nhọt, viêm loét, chữa các chứng cam tẩu mã,  hen suyễn..., thường gọi tắt là tín 信. Chtín vốn được cấu tạo từ chữ nhân (biền thể của chữ , nghĩa là người) và chữ ngôn nghĩa là lời nói. Nhân ngôn nghĩa là lời bàn tán của người đời (nhiều khi không đúng sự thật và rất nguy hiểm). Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: Nhân ngôn khả úy, nghía là lời bàn tán của người đời rất đáng sợ (không kém gì tín thạch, tuy có tác dụng chữa bệnh nhưng có thể làm chết người). Vì vậy, người Trung Quốc đã “chơi chữ”, gọi tín thạchnhân ngôn. Về từ này, trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, soạn giả Nguyễn Lân viết:  nhân ngôn = Một thứ thuốc độc màu vàng. Nhân ngôn cũng có tên là thạch tín. Định nghĩa như vậy thì quá mơ hồ. Nếu soạn giả có kiến thức vững vàng thì phải viết: Nhân ngôn = lời bàn tán (hoặc dư luận) của người đời, tuy cần tham khảo nhưng nhiều khi khác xa sự thật, phải thận trọng   Từ nhân ngôn còn được dùng để chỉ chất tín thạch (mà ở nước  ta quen gọi là thạch tín).
   Vi điện tử dt (H. vi; nhỏ bé; điện: điện; tử; hạt) = Hạt điện tử cực nhỏ. Hoàn toàn sai. Không có hạt nào có tên là  vi điện tử.  Điện tử, hay electron là một hạt cơ bản mang điện tích âm, có khối lượng   m  =  9,10938291(40)×10−28 g, mang điện tích  e = −1.602176565(35)×10−19 C. Mọi điện từ đều có khối lượng như nhau và điện tích như nhau. Thuật ngữ vi điện tử  không phải là một danh từ (như soạn giả đã ngộ nhận), mà là một tính từ, tương ứng với từ  mocroelectronic trong tiếng Anh hoặc từ microélectronique trong tiếng Pháp, thể hiên mối liên quan đến việc chế tạo hay lắp ghép  các linh kiện  điện tử  rất nhỏ.  Ví dụ: mạch vi điện tử, thiết bị bi vi điện tử.
       Những thí dụ trên  đây chứng tỏ rằng, kiến thức của nhà giáo Nguyễn Lân về mọi lĩnh vực khoa học thường thức chưa đạt đến trình độ trung học, hoàn  toàn trái ngược với đòi hỏi của ông đối với một giảng viên đại học. .
3.      Biết khuyên răn dạy dỗ người khác nhưng không biết nhìn lại mình.
     Nếu người thầy giáo thuyết giảng cho học sinh. những điều mà chính mình cũng chưa hiểu thì thật là nguy hại, Phải nói rằng, người đó  không đủ tư cách làm thầy giáo,  không phải là người đứng đắn tử tế mà chỉ là kẻ hợm hĩnh liều lĩnh vô trách nhiệm, thậm chí, chỉ là một kẻ lừa đảo. Nhà giáo Nguyễn Lân biết rõ điều đó nên ông luôn luôn căn dặn con cái phải tránh thói xấu ấy.
       Trong bải Bữa cơm trưa ở nhà mình, cô giáo Trần Thảo Nguyên  (giảng viên Học viện Ngân hàng, là con dâu của ông) đã kể lại lời dạy của nhà giáo Nguyễn Lân đối với cô : « Con làm cô giáo thì phải nhớ là dù một chữ chưa hiểu cũng phải đọc, phải hỏi cho thật hiểu mới được dạy cho học trò, óc trẻ con như  trang giấy trắng, con vẽ sai lên đó làm sao tẩy sạch được. Rồi ba giảng giải, muốn tìm hiểu một vấn đề gì thì phải hiểu cả lịch sử, cả hoàn cảnh cụ thể của nó.. ».
          (trong sách Vinh quang nghề thầy, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, trang 382).
       Lời khuyên răn của nhà giáo Nguyễn Lân hoàn toàn đúng đối với tất cả những ai muốn trở thành con người có tri thức và có đạo đức chứ không phải chỉ riêng đối với người dạy học.
      PGS TS Nguyễn Lân Cường  kể lại :
      Cách đây 9 năm (so với năm 2004 – TG chú), tôi được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia – nơi có hơn 1300 cán bộ công tác thuộc các  lĩnh vực khoa học xã hội. Vừa mừng, vừa phấn khởi vì lần đầu tiên trong đời được đảm nhận một công tác xã hội khá lớn nên vội về nhà khoe với cụ. Ba tôi nói: “Cái khó nhất trong cách đối xử ở đời là biết mình đang ở vị trí nào. Con đừng quên rằng, một người giỏi lắm thì cũng đi sâu được một hai chuyên môn. Vì vậy, phải luôn coi người khác là thầy của mình về những chuyên ngành khác.”. Lời căn dặn ấy của  Ba tôi luôn là lời nhắc nhở anh em chúng tôi, nhưng không phải dễ gì thực hiện được lời cụ dạy.
  
(Vinh quang nghề thầy, trang 369, trong bài Xin gắng theo được một phần của Ba)
       Phải chăng, khi nói những lời trên đây, nhà giáo Nguyễn Lân đã nghĩ đến lời dạy của Khổng từ đối với Tử Lộ mà có lẽ hồi trước ông đã từng nghe: ‘Biết cái gì thì nhận là biết, không biết cái gì thì nhận là không biết, như thế là biết vậy”.(”知之知之不知不知是知也Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”)  Những lời răn dạy của ông đối với con cái có thể quy thành nguyên tắc: Không được dạy những điều mà mình chưa hiểu rõ ; muốn vậy thì phải biết rõ  phạm vi kiến thức của mình  Trong cuộc đời dạy học, hẳn là ông đã nhiều lần dạy bảo các thế hệ học trò những điều này..
        Nhìn lại những quyển từ điển do nhà giáo Nguyễn Lân biên soạn, người ta thấy rằng ông đã lên giọng  giảng giải vô số điều mà ông không hiểu. Hiện tại chưa thể biết là ông đã giảng sai bao nhiêu từ ngữ tiếng Việt, nhưng chắc chắn rằng con số đó lớn  gấp nhiều lần so với những gì đã được  một số tác giả vạch ra và công bố trên báo chí.. Số lượng sai lầm nhiều không thể kể hết. Trong bài Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Viêt (xin lưy ý, trên mạng Internet hiện nay có hai bài mang tiêu đề này, ở đây muốn nói đến bài dài hơn 50 000 chữ chứ không phải bài ngắn chừng 5 000 chữ), tác giả đã vạch ra 200 từ ngữ bị giảng sai, nhưng đó chỉ mới là một phần nhỏ trong  rất nhiều từ ngữ bị giảng sai ở cuốn  Từ điển từ và ngữ Hán- Việt, nghĩa là một phần nhò ở những từ ngữ có gốc Hán mà thôi. Trong một từ, nhiều khi soạn giả Nguyễn Lân đã phạm hai hoặc ba, bốn sai lầm: sai lầm ở việc giảng nghĩa của từ, sai lầm khi chú giải các từ tố, sai lầm ở ví dụ minh họa, v.v. Ngay ở 200 từ ngữ bị giảng sai mà bài  Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Viêt  đã vạch ra thì số sai lầm không phải chì là 200. Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2111 trang, có dung lượng gấp 2,5 lần so với Từ điển từ và ngữ Hán – Việt), số sai lầm có thể lên đến hàng ngàn, bởi vì ông còn giảng sai vô số từ và thành ngữ được coi là “thuần Việt” (không có gốc Hán).  Các cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển thành ngư, tục ngữ Việt – Pháp của Nguyễn Lân đều chứa vô số sai lầm mà các tác giả Huệ Thiên và Nguyễn Văn Điện đã vạch ra.  Nếu ai đó muốn viết một luận văn về hiện tượng hiểu sai và giảng nghĩa sai tiếng Việt thì Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân là một nguồn dữ liệu rất phong phú  vì nó cho thấy  quá nhiều sai lầm đủ các chủng loại, thể hiện  trên “giấy trắng mực đen”. Trong số 5 cuốn từ điển do ồng  Nguyễn Lân biên soạn một mình (đó là: u Từ điển từ và ngữ Việt Nam, v Từ điển từ và ngữ Hán-Việt, w Từ điển thành ngữ và tục ngữ  Việt Nam, x  Từ diển thành ngữ, tục ngữ Việt- Pháp, y Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp - Viêt) thì các quyển u, v, w đã bị Huệ Thiên và Lê Mạnh Chiến phê phán từ lâu mà không ai có thể phản bác, và gần đây lại có thêm hàng  loạt bài phê phán rất đáng chú ý của Hoàng Tuấn Công. Quyển x cũng chứa rất nhiều sai lầm và  đã bị ông Nguyễn Văn Điện phê phán trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 1(66)/2008 trong  bài Về cuốn Từ điển  của Nguyễn Lân.   Chỉ riêng cuốn y là chưa có bài phê phán nhưng thực tế  đã cho thấy rằng  nhà giáo Nguyễn Lân vốn rất yếu kém về tiếng Việt nên chắc chắn rằng quyển Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp – Viêt ấy cũng không thể tránh khỏi vô số sai lầm, chẳng cần phải xem xét nữa.
        Về lý thuyết, nhà giáo Nguyễn Lân đã khuyên răn con mình và dạy học trò hai điều rất hệ trọng, rất đúng đắn. Nhưng trong việc làm cụ thể, chính ông đã phản lại những lời dạy của mình. Đó là vì ông đã không có năng lực tra cứu, chỉ nhặt nhạnh kiến thức trên sách báo một cách không có hệ thống, nhưng lại nghĩ rằng mình đã quá giỏi, đủ sức để dạy dỗ mọi người, do không nắm được những tri thức phổ thông cơ bản nhất.  Ông đã hăm hở “chú giải từ tố” và “giải thích từ nguyên”  ở những từ ngữ có gốc Hán, mà muốn thực hiện điều  đó thì phải tra cứu được các bộ đại từ điển Hán ngữ, mà phải tra cứu rất nhiều sách, nhưng trước hết là phải nắm rất vững những tri  thức cơ bản ở mức cao hơn hẳn bậc trung học. Hình như ông không nghĩ đến điều đó, và ông cũng không biết rằng, kiến thức của ông về mọi phương diện, về toán học, vật lý học, hóa học, sinh vật học, lịch sử, địa lý... đều chưa đạt ngưỡng trung học. Những ví dụ vừa nêu trên đây đã chứng tỏ điều đó. Tuy ông đọc được tiếng Pháp nhưng không sử dụng được các từ điển của Pháp vào việc biên soạn từ điển tiếng Việt.  Không phải ông chỉ bế tắc về thuật ngữ khoa học trong tiếng Pháp, mà chủ yếu là bế tắc ngay ở tri thức phổ thông về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. thường thức. Khi đã không hiểu được các khái niệm khoa học thì dẫu đọc bằng tiếng Việt cũng chẳng hiểu, huống chi là đọc tiếng Pháp. Những thí dụ về nhiều sai lầm của ông mà quý vị độc giả đã thấy trong bài này đã quá đủ để khẳng định điều đó. Nếu sử dụng được từ điển của Pháp thì một loạt thuật ngữ khoa học tự nhiên trên đây sẽ được định nghĩa một cách dễ dàng. Không đọc được chữ Hán mà lại dám nhận lấy việc “chú giải từ tố” và “giải thích từ nguyên” của các từ ngữ gốc Hán thì thật là quá liều lĩnh. Việc này còn  khó khăn và phức tạp hơn việc đọc tiếng Pháp rất nhiều. Cứ nhìn vào việc giải thích từ nguyên của các từ viên môn hay thạch tín trên kia thì đủ thấy rằng, cái việc “giải thích từ nguyên” và “chú giải từ tố” của các từ ngữ gốc Hán chẳng dễ chút nào.
         Không phải ông chỉ phạm sai lầm ở những từ ngữ gốc Hán mà thôi. Vô số từ được coi là “thuần Việt” cũng bị ông giảng sai, rất nhiều thành ngữ, tục ngữ cũng bị ông giảng sai. Độc giả nào muốn kiểm chứng, hãy đọc  các bài  Đọc lướt Từ điển từ và  ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân     Những chỗ sai khó ngờ trong «Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam» của Nguyễn Lân (của Huệ Thiên) hay các bài gần đây của Hoàng Tuấn Công (Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, mục chữ cái nào cũng có sai sót; Những sai lầm mang tính hệ thống trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân; Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn từ điển – GS Nguyễn Lân, và v.v.)  thì sẽ thấy vố số sai lầm thật khó tưởng tượng. Tất cả các bài này đều rất dễ tìm trên mạng Internet.
         Nhà giáo Nguyễn Lân đã nhầm to khi “dấn thân” vào lĩnh vực từ điển. Trong lĩnh vực này, ông thực sự là người yếu kém nhất, với những lỗ hổng kiến thức không thể khắc phục.
3.     Lời giảng sai vẫn được ca ngợi là “nhất tự thiên kim”

      Trong hơn 100 bài ca ngợi tài đức tuyệt vời vô song của nhà  giáo Nguyễn Lân được đăng tải trong cuốn sách Vinh quang  nghề thầy cùng hai tập Ký yếu Hội thảo GS NGND Nguyễn Lân với sự nghiệp trồng người (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006) và Kỷ yếu Hội thảo NGND Gs Nguyễn Lân  - cuộc đời và sự nghiệp (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2013), hầu  như tất cả mọi bài đều lặp đi lặp lại một số ý kiến dựa trên cảm tính, thiếu hẳn  những dẫn chứng cụ thể đáng tin cậy và có sữc thuyết phục. Chỉ có vài đoạn có vẻ như đã đưa ra được dẫn chứng về công lao và  trí tuệ kiệt xuất của nhà giáo Nguyễn Lân. Thứ nhất là đoạn nói về Từ điển từ và ngữ Việt Nam trong bài Nguyễn Lân và “mùa thu vàng” sáng tạo của nhà báo Hàm Châu mà độc giả đã biết. Thứ hai là câu chuyện sau đây trong bài Giáo sư Nguyễn Lân – Nhà sử học thân yêu của chúng ta (trong Ký yếu Hội thảo NGND GS Nguyễn Lân, cuộc đời và sự nghiệp)
       Tác giả bài ấy là một PGS TS đã kể:
        Ngày  ấy, vào những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi có được cuốn sách nhỏ Những đề nghị cài cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX (viết chung với Đặng Huy Vận, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1962), đem đến kính biếu Thầy, gọi là quả bói đầu mùa – công trình khoa học của người học trò đã  được Thầy gợi ý và chỉ bảo tận tình. Sau khi đọc xong, Thầy đã viết thư cảm ơn (một lần nữa) và đề nghị chúng tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu “nhà cách tân lỗi lạc và yêu nước  nhiệt thành “ này. Rồi mấy năm sau, khi có dịp trở lại quê hương Nguyễn Trường Tộ, đến thắp hương nơi khu mộ của ông (khu mộ mà chính thầy đã xuất tiền ra xây nên từ năm 1942), tôi thấy ở đôi câu đối khắc bên mộ, lâu ngày có một chữ Hán ở về bên trái bị lở sứt, có thể đọc lầm lẫn là chữ hoặc thân:
   Nhất thất túc thành thiên cổ hận
               Tái đầu hồi thị bach niên cơ (thân)      
           
            (Một lần sẩy chân ân hận (đến) ngàn đời /  Quay đầu trở lại, cơ đồ (đã) trăm năm.)

hoặc:      Một lần sẩy chân ngàn năm ân hận /   Quay đầu lại đã trăm năm thân mình.
     
      Kể ra, “thân” với “” đều có nghĩa (hợp lý), vì thế, có nhiều người đã  nói chữ sứt lở đó là chữ thân (và ngay đến giờ đây, trong tập sach Vinh quang nghề thầy, anh bạn Trường Phước vẫn viết là thân).
         Nhưng tôi nghĩ chữ thân có lẽ không thỏa đáng, đến hỏi Thầy và đã được Thầy giảng giải cho thật cặn kẽ cả  nghĩa gốc của chữ cơ: cơnền, là gốc... và  nghĩa dẫn thân cơ đồ, là sự nghiệp, là vận mệnh của cả một vương triều v.v... Vế trên của câu đối là hận (ân hân) – từ chỉ sự trừu tượng, thì vế dưới đối lại phải là một từ có tính chất cũng trừu tượng, cho nên dùng chữ (cơ đồ) là chuẩn xác và hợp lý hơn là từ thân (thân thể). Rõ là đầy sức thuyết phục Tôi nhớ mãi câu nói cảm ơn của tôi khi đó: Thưa thầy! đúng là “Nhất tự thiên kim” vậy. 
      Trước hết, hai câu này không phải là hai câu đối, mà phải coi là một lời than thở hay một sự đúc kết kinh nghiệm ở đời, là những câu  ở cuối một bài thơ. Cái chữ bị sứt ấy, phải là chữ thân.
       Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu, thị bach niên thân. Nghĩa là: Một lần sẩy chân (= một lần cẩu thả, một lần hẫng hụt, một lần sa ngã) thì ôm hận mãi mãi. Ngoái đầu nhìn lại thì mình chỉ còn cái thân già yếu . Rất đúng với tâm tư của người có hoài bão lớn nhưng “lỡ thời”
        Nếu thay chữ thân bằng chữ cơ, nghĩa là cơ nghiệp, là sự nghiệp, thì sẽ có:
      Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu,thị bach niên cơ. Nghĩa là: Một lần sẩy chân (= một lần cẩu thả, một lần hẫng hụt, một lần sa ngã) thì phải ôm hận mãi mãi. Ngoái đầu nhìn lại thì mình đã có cơ nghiệp trăm năm . Như vậy thì cái sự “thất túc”, cái sự “sẩy chân” kia  chẳng liên quan đến cơ nghiệp, chẳng gây nên hậu quả gì cả, chẳng đáng phải mang hận mãi mãi.
       Rõ ràng là, việc đặt chữ ở cuối câu thứ hai (thay cho chữ thân) là một sai lầm nghiêm trộng, một ý kiến thiếu suy nghĩ, sự biện luận cho ý kiến đó là một việc làm gượng ép, vô nghĩa. Vậy mà cũng có vị PGS TS đành giá là “nhất tự thiên kim”. Theo các từ điển Từ nguyênTừ hải thì thiên kim 千金 nghĩa là một ngàn cân vàng, mà mỗi cân ở Trung Quốc từ thời Đường bằng 666g, sau đó giảm dàn, đến thời Thanh là 596g và hiện nay quy định là 500g. Hóa ra, một chữ suy luận sai rành rành của nhà giáo Nguyễn Lân cũng có giá hơn nửa tấn vàng cơ đây!
       Phải chăng, vì quá yêu mến, quá tin tưởng ở trí tuệ của Thầy, hay là vì hiệu ứng đám đông, khi đã khen ai thì mọi người cứ xúm vào khen thật hết lời, cho nên sau hàng chục năm mà vị PGS TS này vẫn không nhận ra cái sai rành rành của ông Thầy?
         Xin  nói rõ về xuất xứ của hai câu thơ kia. Đó không phái là hai vế đối, cũng không phải là Nguyễn Trường Tộ.
        Nhà danh họa kiêm học giả, thi nhân nổi tiềng đời Minh là Đường Dần đã viết:  Nhất thất túc thành thiên cổ tiếu 一失足成千古, Tái hồi đầu thị bách niên nhân 再回头是百年(Một lần sảy chân, trở thành trò cười mãi mãi. Quay đầu nhìn lại thì mình đã trở thành người già cả. Đó là sự chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời của mình. 
      Đường Dần (1470 – 1524) còn gọi là Đường Bá Hổ, quê ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, là người thông minh, học giỏi. Năm 1498, đỗ Giải nguyên (đỗ đầu Cử nhân) tại trường thi ở phủ Ứng Thiên (Nam Kinh). Năm sau, ông cùng đi với người bạn tên là Từ  Kinh  đến kinh đô để thi hội. Ông làm bài rất tốt, quan chủ khảo là Lễ bộ Thị lang Trình Mẫn Chính 程政敏 rất phục tài,  nhưng người ta phát hiện ra việc Từ  Kinh  đút lót tiền cho tên  đầy tớ của quan chủ khảo để lấy đề thì nên ông cũng bị vạ lây, bị nhốt vào ngục và  bị tước danh hiệu Giải nguyên. Về sau, triều đình xét thây ông vô can nên được trả lại danh hiệu Giải nguyên nhưng đã lỡ mất kỳ thi lần này. Từ dó, ông chán ghét con đường thi cử, quyết  từ bỏ con đường công danh, chỉ  thích du ngoạn, vẽ tranh và làm thơ. Tuy không bước vào làng khoa bảng và không làm quan to nhưng ông rất nổi tiếng, được người đời xếp vào nhóm “Minh tứ gia”, gồm bốn nhà danh họa nổi tiếng nhất dưới thời nhà Minh. Bởi vậy, đối với ông, sự “sẩy chân” trở thành “trò cười mãi mãi”. Phải chăng, vì rất nổi tiếng nên ông thấy mình đã trở thành “bách niên nhân” nghĩa là người sống lâu (theo nghĩa bóng), mặc dầu ông chỉ sống đến 54 tuổi. .
         Đến đời Thanh, tiểu thuyết gia  Ngụy Tú Nhân 魏秀 , tức  Ngụy Tử  An 魏子安  (1819 – 1873) đã cải biên hai câu thơ kia  của Đường Dần, thành ra   Nhất thất túc thành thiên cổ hận  一 失 足 成 千 古 恨,Tái hồi đầu thị bách niên thân 再 回 頭 是 百 年 身 để làm  hai câu cuối ở một bài thơ “thất ngôn bát cú” trong tiểu thuyết Hoa nguyệt ngấn 花月. Toàn văn bài thơ như sau:
芳 心 怕 載 春 愁 重,   Phương tâm phạ tải xuân sầu trọng,
花 里 相 思 讓 與 君.       Hoa lý tương tư nhượng dữ quân.
滌 盡 千 年 尘 上 夢,       Địch tận thiên niên tiêm thướng mộng,
君 心 應 似 藕 玲 瓏.      Quân tâm ưng tự ngẫu linh lung. 
相 思 未 必 能 相 見,    Tương tư vị tất năng tương kiến,
夜 雨 春 愁 萬 点 红.       Dạ vũ xuân sầu vạn điểm hồng.
一 失 足 成 千 古 恨     Nhất thất túc thành thiên cổ hận,
再 回 頭 是 百 年 身.       Tái hồi đầu thị bách niên thân.
        Hai câu  do Ngụy Tú Nhân cải biên từ thơ của Đường Dần đã được người đời truyền tụng vì có tính khái quát cao, có thể vận dụng cho rất nhiều người, vì mấy ai từng gặp hoạn nạn mà về sau được vinh dự như Đường Dần?  Hẳn là, khi còn sống, Nguyễn Trường Tộ.và những người đồng cảm với ông thường nhắc đến hai câu thơ “cải biên” này.

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn loạt bài biết
    Trước đây tôi cũng không có thời gian để tìm hiểu, và là lớp hậu sinh nên cứ mặc nhiên mà tin về danh tiếng của dòng họ Nguyễn Lân qua các phương tiện truyền thông. Tôi chỉ thật sự nghi ngờ về danh tiếng này khi vụ việc Nguyễn Lân Dũng đứng ra bảo kê cho vụ Huyền Chip với cuốn sách đình đám Vác balo lên và đi
    Nếu có thể thì bóc dần sự thật về các GS con nữa

    Kính

    Trả lờiXóa
  2. Wynn casino | DrmCD
    We 광명 출장샵 offer the best in slots and poker. From table games and 안동 출장안마 live dealers to bingo, our tables are the 공주 출장마사지 most trusted of 원주 출장샵 the leading names in 동해 출장안마 casino gaming.

    Trả lờiXóa