Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Góp phần tìm hiểu sự thật về giáo sư Nguyễn Lân (2)

 Câu hỏi 3

          Trong bài Phát biểu  khai mạc Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Nguyễn Lân 1906 – 2006 (tháng 8 năm 2006), với chủ đề “Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân với sự nghiệp trồng người”, GS TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nói: “Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân còn là một nhà văn, nhà thơ, một nhà soạn từ điển mẫu mực với 42 tác phẩm đồ sộ, đó là những di sản rút ra từ những nghiên cứu , những định hướng có giá trị về nhân cách trong sự phát triển nền giáo dục của nước nhà nhằm phát huy sức mạnh truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc với những tiến bộ về văn hóa giáo dục của thế giới”. Vì sao một người có đến 42 tác phẩm khoa học “đồ sộ” mà không được phong học hàm Giáo sư và cũng chỉ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước (không được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh) đợt II, khi đã ở tuổi 95, sau khi quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam vừa mới in xong “chưa ráo mực” ?  Lời tán tụng  của GS TS Nguyễn Viết Thịnh về nhà giáo  Nguyến Lân có đúng hay không? 

       Một người nêu ý kiến:

       “Trước  hết, ít nhất, nhà giáo Nguyễn Lân đã được xác định là tác giả của hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt. Điều đó đã được phân tích và công bố cách đây gần 10 năm, và tất cả những người bênh vực ông đều không thể chối cãi được. Nhưng, sự thực còn nguy hiểm hơn thế nữa, vì  điều đó mới  là phát hiện ban đầu của một tác giả chưa có điều kiện  xem xét hết mọi  quyển từ điển của ông Nguyễn Lân mà thôi. Nay đã có bằng chứng đầy đủ để nói rằng, tất cả 5 quyển  từ điển do  ông Nguyễn Lân biên soạn một mình đều phạm rất nhiều sai lầm, rất có hại cho tiêng Việt. Vậy thì ông không thể là  một là nhà biên soạn từ điển mẫu mực, mà phải nói rằng, ông là một nhà biên soạn từ điển rất cẩu thả, coi thường trách nhiệm, gây nhiều tai hại, rất đáng phê phán thật nghiêm khắc. Mọi người còn cần  phải phân tích, phê phán nhiều hơn nữa về điều này. Nay hãy xem xét về mặt ”khối lượng” thành tích của ông. Có đúng là nhà giáo Nguyễn Lân đã để  lại  42 tác  phẩm “đồ sộ” như  lời tán dương của GS TS Nguyễn Viết Thịnh hay không ?”

       Trả lời:

      ▌ Trước hết, hãy khảo sát xem 42 tác phẩm của nhà giáo Nguyến Lân “đồ sộ” đến mức nào.để thấy được giá trị lời tán tụng  của ông Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

         Danh mục các tác phẩm của nhà giáo Nguyễn Lân đã được ông Nguyễn Lân Dũng đưa vào cuốn sách Vinh quang nghề thầy (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004) và cũng được in lại đầy đủ trong sách “Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân với sự nghiệp trồng người – Kỷ yếu Hội thảo kỷ niêm 100 năm ngày sinh GS nguyễn Lân, 1906 – 2006” (Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành, 14/6/2006). Chính nhà giáo Nguyễn Lân đã cung cấp danh mục này khi ông còn sống và cho in ở cuối cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam do Nxb TP Hồ Chí Minh phát hành năm 2000.

Trước Cách mạng tháng Tám, nhà giáo Nguyễn Lân có 6 tác phẩm
:

  1. Cậu bé nhà quê  (1925);  Impr. Franco-asiatique, Hà nội, 1929.
  2. Khói hương (tiểu thuyết xã hội) Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1935.
  3. Ngược dòng (tiểu thuyết xã hội) Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1936.
  4. Hai ngả   (tiểu thuyết xã hội) Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1938.
  5. Nguyễn Trường Tộ, Nxb Viễn Đệ, Huế; Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội, 1941, tái bản 1942.
  6. Những trang sử vẻ vang (hai tập), Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội, 1943.

       Cả 6 tác phẩm này được in với khổ giấy nhỏ và thưa chữ nhưng đều rất mỏng. Ví dụ: Cậu bé nhà quê. 77 trang (tương đương 50 trang khổ 13x19cm hiện nay); Nguyễn Trường Tộ, 109 trang; mỗi trang chưa đén 200 chữ; nếu in ở  khổ giấy 13x19cm như các tiểu thuyêt thông thường hiện nay (mỗi trang in 30 dòng, mỗi dòng từ 10 đến 12 chữ, trung bình là 11 chữ)  thì số trang in sẽ vào khoảng 66 trang. Cụ thể là,  tác  phẩm  Những trang sử vẻ vang gômg 2 tập (tập I, 193 trang; tập II, 165 trang, tổng cọng  là 358 trang), năm 1998, Nxb Khoa học Xã hội in lại, chỉ có 196 trang). Các quyển Khói hương, Ngược dòng, Hai ngả, mỗi quyển chỉ vào  khoảng 70 - 80 trang khổ 13x19cm.

       Theo danh mục do nhà giáo Nguyễn Lân cung cấp thì sau Cách mạng tháng Tám, ông đã viết 31 tác phẩm, trong đó có 11 tác phẩm “cùng tập thể” và 20 tác  phẩm viết riêng. Trong danh mục đó (in trong sách Vinh quang nghề thầyKỷ yếu I) cũng có chỗ không chính xác. Ví dụ, không có sách Giáo trình giáo dục học (NXB Giáo dục, 1961) như ông đã ghi, nhưng có sách Sơ thảo giáo dục học đại cương (Nxb Giáo dục, 1962, 569 trang); không có sách Luân lý lớp sáu và lớp bảy phổ thông (Nxb Giáo dục, 1964), mà có sách  Luân lý lớp sáu phổ thông (Nxb Giáo dục, 1964, 48 trang) và sách Luân lý lớp bày  phổ thông (Nxb Giáo dục, 1964, 62 trang). Ngoài ra,  nhà giáo Nguyễn Lân cũng ghi sót quyển Hồi ký giáo dục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tái bản 1998, 44 trang. Như vậy, con số 11 tác phẩm “cùng tập thể” nay trở thành 12, và 20 tác phẩm do ông viết riêng sau năm 1945, nay được tính là 21.  Sau đây là các bản liệt kê hai nhóm tác phảm ấy kèm theo số trang của từng tác phẩm để thấy rõ mức độ “đồ sộ” của chúng.
Mười hai (12) tác  phẩm “cùng tập thể” viết sau năm 1945

  1. Sơ thảo giáo dục học đại cương,  NXB Giáo dục, 1962, 569 trang
    Ban biên soạn (10 người): Nguyễn Hữu Tảo (chủ biên), Lê Khánh Bằng, Nguyễn Lân, Vũ VănThái, Phạm Cốc, Vũ Đình Liên, Nguyễn Văn Triệu, Hoàng Ngọc Di, Đức Minh, Vũ Tiến Yên.
  2. Quy chế thực tập sư phạm, Nxb Giáo dục, 1962, 60 trang
    Ban biên soạn (6 người) Nguyễn Lân, Hoàng Triều, Hoàng Hạnh, Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Đức Ảnh, Trần Lanh.
  3. Từ điển chính tả phổ thông, Viện Văn học xuất bản,1963, 311 trang,
    Ban biên soạn (7 người): Từ Lâm, Nguyễn Lân, Nguyễn Đức Bảo, Long Điền, Hồ Lãng,Hoàng Phê, Đào Thản,  khổ  8,5x12cm, nhỏ bằng lòng bàn ta.
  4. Luân lý lớp sáu  phổ thông, Nxb Giáo dục, 1964, 48 trang
    Nhóm biên soạn
    (11 người): Phan Minh Vệ, Nguyễn Đình An, Lê Khánh Bằng,Nguyễn Tài Sum,Nguyễn Xuân Tảo, Hoàng An, Trịnh Văn Ngân, Nguyễn Lân, Hoàng Hữu Xứng, Phùng Cốc Đê, Nguyễn Minh Quang.
  5. Luân lý lớp bảy phổ thông, Nxb Giáo dục, 1964, 62 trang
    Nhóm biên soạn (7 người): Nguyễn Đình An, Nguyễn Lân, Nguyễn Tài Sum, Phan Minh Vệ, Lê Khánh Bằng, Vũ Thị Lan Hương, Nguyễn Minh Quang.
  6. Viết thế nào cho đúng. Hội Nhà báo Việt Nam  xuất bản, 1965, 84 trang,
    Hoàng Tuệ, Nguyễn Lân, Nguyễn Tăng, Hoàng Phê (Nguyễn Lân chỉ có 1 bài “Vì sao tôi yêu tiếng Việt”, từ trang 25 đến trang 40).
  7. Thuật ngữ tâm lý – giáo dục Nga – Pháp – Việt. Nxb Khoa học, 1967, 174 trang. Khởi thảo (7 người): Nguyễn Lân, Phạm Hoàng Gia, Nguyễn Đức Minh, Đặng Xuân Hoài, Đặng Vũ Hoạt, Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Đức Uy. Bổ sung và duyệt lần cuối (6 người): Nguyễn Lân, Hà Thế Ngữ, Phạm Hoàng Gia, Phạm Minh Hạc, Phạm Văn Diên, Lê Khả Kế.
    Thuật ngữ tâm lý-giáo dục Nga – Pháp – Việt gồm gần 100 trang. Sau đó  là các bảng sắp xếp lại để tra ngược Việt
    Nga – Pháp và Pháp – Nga Việt.
  8. Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội,  1967, 1977, 1991, 1415 trang
    Ban biên soạn (13 người): Văn Tân (chủ biên), Nguyễn Lân, Nguyễn Văn Đạm, Lê Khả Kế, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngô Thúc Lanh, Ngụy Như KonTum, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thạc Cát, Đoàn Hựu, Trần Văn Khang, Long Điền, Hoa Bằng.
  9. Jăng- Krixtốp của Romain Rolland, (dịch) 4 tập, Nxb Văn học, 1976 - 1981
    Nhóm dịch thuật (5 người): Tảo Trang, Trần Hữu Mai, Nguyễn Lân, Phạm Ngọc Hải, Nguyễn Xuân Huy.
  10. Từ điển Pháp – Việt, Tổ chức Hợp tác văn hóa và kỹ thuật ACCT xuất bản tại Paris năm 1981, tái bản năm 1988 ở Paris và ở  TP Hồ Chí Minh, 1381 trang.
    Ban biên soạn (8 người): Lê Khả Kế (chủ biên), Nguyễn Lân, Nguyễn Đức Bính, Đồng Sĩ Dương, Đoàn Nồng, Phạm Văn Xung, Nguyễn Quát, Vũ Đình Liên.
  11. Từ điển Việt Pháp (cùng với GS Lê Khả Kế), Nxb Khoa học Xã hội, 1989, 1132 trang
  12. Lớp nhà ba thế hệ, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, 1968 (chưa tìm thấy).
      Trong số 12 tác phẩm “cùng tập thể” ấy có ít nhất lả 6 tác phẩm nhỏ và rất nhỏ (từ số 2 đến số 7). Quyển Luân lý lớp sáu phổ thông, 48 trang khổ 13x19cm, do Nxb Giáo dục xuất bản năm 1964 và tái bản năm 1968, trong đó nhà giáo Nguyễn Lân chỉ viết chưa đến 5 trang nhỏ khổ 13x19cm. Tác phẩm này gồm 16 bài dạy luân lý, nhà giáo Nguyễn Lân chỉ tham gia viết 2 bài, cùng với hai tác giả khác, cụ thể là bài 2 và bài 7. Bài 2 có tên là “Cần phải rèn luyện những đức tính tốt . Ngô Đắc Khả đã tiến bộ” (cùng viết với Vũ Đình An), in ở nửa trang 7 và các trang 8,  9, 10,  gồm  ba trang rưỡi. Bài 7 có tên là “Tinh thần tự lực (cùng viết với .Phan Minh Vệ), in ở trang 22 và một nửa trang 23, gồm một trang rưới. Tuy quyển sách Luân lý lớp sáu phổ thông cũng được coi là một trong 42 tác phẩm “đồ sộ” nhưng trên thực tế thì ông Nguyễn Lân chỉ viết chung với người khác (có thể là ông viết phần nhiều hơn) trong 5 trang sách mà thôi. Ở quyển  Luân lý lớp bày  phổ thông cũng vậy. Quyển này gồm 13 bài thì ông Nguyễn Lân có 3 bài viết chung với các tác giả khác. Đó là các bài 1 (Tu dưỡng đạo đức cách mạng, viết chung với Nguyễn Đình An, gồm 4 trang rưỡi, in từ trang 5 đến trang 9), bài 5 (Yêu quê hương đất nước, viết chung với Phan Minh Vệ, ở trang 23 và 24) và bài 6 (Thái độ lao động mới, viết chung với Nguyễn Đình An, từ nửa trang 27 đến nửa trang 31, gồm  4 trang), tổng cọng là 10 trang rưỡi. Trong quyển Viết thế nào cho đúng (87 trang), ông Nguyễn Lân chỉ có bài  Vì sao tôi yêu tiếng Việt  (từ  trang 25 đến trang 40) chưa đầy 16 trang, nhưng cũng được coi là  một trong 42 tác phẩm “đồ sộ”  Mặt khác, bài Vì sao tôi yêu tiếng Việt cũng được in  trong một tác phẩm  khác, là quyển Tôi yêu tiếng Việt (167 trang).

      Tổng số trang viết của nhà giáo Nguyễn Lân trong cả 6 tác phẩm “đồ sộ” ấy ước tính chừng 150 trang. Chúng tôi chưa tìm thấy quyển Lớp nhà ba thế hệ (mặc dầu  đã tìm ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học Xã hội, Thư viện Trung ương của Quân đội, Thư viện Hà Nội, và  Thư viện Đại học Sư  Phạm Hà Nội, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội). Tìm kiếm trên mạng Internet cũng không thấy tăm hơi của quyển sách này. Điều đó cho phép nghĩ rằng, đó cũng là một tác phẩm nhỏ hoặc rất nhỏ, không có tiếng vang, và nhà giáo Nguyễn Lân cũng chỉ có 1 – 2 bài ngắn trong đó mà thôi. Ở quyển  Sơ thảo giáo dục học đại cươn (569 trang), ông Nguyễn Lân chỉ là một trong 10 người biên soạn. Có 3 quyển từ điển dày trên 1000 trang do rất nhiều người biên soạn và một bộ sách dịch  do 5 người dịch. Đó chưa phải lầ những tác phẩm “đồ sộ”, lại càng không phải là những “tác phẩm đồ sộ của nhà giáo Nguyễn Lân”, vì ông  chỉ là một thành viên thứ yếu trong các  nhóm rất đông người (riêng quyển Từ điển Pháp – Việt, gồm hai soạn giả, trong đó, ông Nguyễn Lân không phải là soạn giả chủ yếu).

Hai mươi  mốt (21) tác phẩm viết riêng sau năm 1945
  1. Muốn đúng chính tả, Nxb Thịnh Đức, Liên khu X, 1949; Nxb Nguyễn Du,    Hà Nội (21 Hàng Điếu và 27 Đinh Tiên Hoàng), 1956,  khổ 12x16cm, 149 trang (chữ to, nếu in cỡ chữ thông thường, khổ 13x19cm thì được khoảng 80 trang).
  2. Ngữ pháp Việt Nam (từ lớp 3 đến lớp 7) Bộ giáo dục xuất bản, 1956, 131 trang.
  3. Để tìm hiểu Gooc – ki, Nxb Thanh niên, 1958, 94 trang.
  4. Lịch sử giáo dục học thế giới, Nxb Giáo dục, 1958, 210 trang.
  5. Khảo thích Truyện Trê Cóc, Nxb Văn hóa, 69 trang.
  6. Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, 1960, 70 trang.
  7. Giảng dạy trên lớp, Nxb Giáo dục, 87 trang.
  8. Công tác chủ nhiệm lớp, Nxb Giáo dục, 1962, 149 trang.
  9. Từ điển từ và ngữ Hán Việt (Có chú giải từ tố), Nxb TP Hố Chí Minh, 1989, 867 trang.
  10. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, 1990, 323 trang.
  11. Hồ chủ tịch, nhà giáo dục vĩ đại,  (với sự cộng tác của Hà Trung Chính, Phan Thế Sủng)  Nxb Khoa học xã hội, 1990, 107 trang.
  12. Con người văn minh sống như thế nào, Nxb Thanh niên, 1990, 87 trang.
  13. Từ điển thành ngữ tục ngữ Pháp Việt, Nxb Giáo dục, 1993, 308 trang.
  14. Một trăm mẫu chuyện cổ Đông – Tây, Nxb Giáo dục, 100 trang.
  15. Trao đổi về tình thầy trò, Nxb Thanh niên, 1963, 49 trang.
  16. Từ điển thành  ngữ tục ngữ Việt –Pháp, Nxb Văn học, 272 trang.
  17. Tôi yêu tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, 1995, 167 trang.
  18. Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000,  2111 trang.
  19. Hồi ký giáo dục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, 44 trang.
  20. Giảng văn, Trung học vụ Liên khu X, 1951 (chưa tim thấy).
  21. Nhớ nguồn (tập thơ), Nxb Văn học, 1994 (chưa tìm thấy).

        Trong số 21 tác phẩm này, có quyển Giảng văn (do Trung học vụ Liên khu X xuất bản  năm 1951) và tập thơ Nhớ nguồn (Nxb Văn học, 1994), tìm ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học Xã hội, Thư viện Trung ương của Quân đội, Thư viện Hà Nội, Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội đều không thấy. Quyển Giảng văn được biên soạn và xuất bản năm 1951 ở  Việt Bắc  chỉ có thể là môt tác phẩm nhỏ hoặc rất nhỏ mà thôi. Tập thơ Nhớ nguồn cũng chưa thấy ai nói đến. Theo lời  một thầy giáo từng đọc tập thơ ấy (nay chưa tìm lại được), thì đó là một tập thơ rất nhỏ, không phát hành rộng rãi nên không đáng chú ý .

        Mặc dầu GS TS Nguyễn Viết Thịnh nói rằng nhà giáo Nguyễn Lân đã để lại 42 tác phẩm đồ sộ, nhưng theo danh mục do chính chủ nhân cung cấp thì chỉ có 37 tên sách, kèm theo tên cơ quan xuất bản và năm xuất bản. Ngoài  danh mục đó, chúng tôi cũng bổ sung 2 tên sách và đã  xem xét 35 tên sách. Chắc chăn rằng con 37 + 2 tác  phẩm ấy là gần sự thật nhất, còn  con số số 42 tác  phầm do  ông  GS TS Nguyễn Viết Thịnh đưa ra là sai. Càng sai hơn nữa khi GS TS Nguyễn Viết Thịnh gọi  đó lả 42 tác phẩm đồ sộ.

       Qua sự khảo sát cụ thể trên đây thì thấy rằng, từ năm 1988  trở về trước, tất cả  các  tác phẩm của nhà giáo Nguyễn Lân viết riêng, hầu hết đều  rất nhỏ (trên – dưới 100 trang). Chỉ có quyển Những trang sử vẻ vang  (Nxb Khoa học Xã hội in được 196 trang), và  quyển Lịch sử giáo dục học thế giới (210 trang) là  không quá nhỏ mà thôi. Ngoài ra, ông cũng viết chung với nhiều người khác ở 12 tác phẩm, trong đó có 6 quyển rất nhỏ. Ở mỗi tác  phẩm “viết chung” ấy, ông chỉ có một hoặc vài bài, trên dưới  một chục trang. Trong mọi tác phẩm “cùng tập thể” (phần lớn là tập thể đông người) dù rất nhỏ hay không nhỏ lắm, ông luôn luôn đóng vai trò phụ thuộc, không phải là người chủ biên, không chịu trách nhiệm về  một tác phẩm nào cả.

        Từ năm 1988 trở đi, nhà giáo Nguyễn Lân  vẫn tiếp tục viết những tác phẩm rất nhỏ. Quyển sách hơi dày đầu tiên là Từ điển từ và ngữ Hán – Việt (Nxb TP Hồ chí Minh, 1989,  865 trang) và 3 quyển không nhỏ lắm, trên – dưới 300 trang (Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1989, 353 trang; Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp – Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992, 308 trang; Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt – Pháp, Nxb Văn học, Hà Nội, 1993, 271 trang)  Cuối cùng,, ông cho ra mắt độc giả cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000, 2111 trang. Đây là quyển sách duy nhất của ông có số trang khá lớn, hoàn thành lúc ông đã 95 tuổi. Nhờ sự tán dương của GS Lê Trí Viễn đối với quyển Từ điển từ và ngữ Hán- Việt và của GS Vũ Khiêu đối với quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam, cho nên ngay trong năm 2000, khi quyển này mới in ra “chưa ráo mực”, nhà giáo Nguyễn Lân đã lọt vào danh sách những người được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 2 cho "Cụm công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt".

        Nhìn bên ngoài thì quyển Từ điển từ và ngữ Hán – Việt của Nguyễn Lân không nhỏ lắm. Nó được in trên giấy khổ 14 x 21cm.trang, in bằng chữ to và thưa.Dung lượng từ ngữ của nó so  so với Hán – Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh (ra đời năm 1932) thì nghèo nàn  hơn rất nhiều. Đây là một quyển từ điển Hán Việt có dung lượng rất nhỏ và phạm rất nhiều sai lầm. Điều này sẽ được chứng minh rất cụ thể ở đoạn sau.

       Từ điển từ và ngữ Việt Nam có vô số sai sót, rất có hại cho tiếng Việt. Điều đó đã được chứng minh và còn cần phài vạch rõ thêm. Nay thử xem xét dung lượng của nó để biết đó có phải là một quyển từ điển “đồ sộ” hay không?

       Nói đến vật gì đồ sộ, ai cũng hiểu rằng vật đó phải rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với những vật khác cùng loại và cùng một công dụng. Ví dụ, một gia đình gồm bốn người mà sử dụng một cái phòng ăn rộng 40 mét vuông, với một cái bàn ăn dài 5 mét, rộng 3 mét, thì cái phòng ăn và cái bàn ăn ấy quả là quá đồ sộ. Nhưng nếu cái phòng ăn ấy, cái bàn ăn ấy dùng để tiếp đãi 40 vị thực khách thì ai cũng phải kêu lên rằng: Ôi, cái phòng ăn và cái bàn ăn kia quá nhỏ bé.

      Về sách vở cũng vậy. Một cuốn tiểu thuyết hay một tập truyện khổ 16 x 24mm, dày hơn 1000 trang cũng có thể coi là một quyển tiểu thuyết đồ sộ, hay một tập truyện đồ sộ. Trong khi đó, quyển từ điển Petit Larousse rất nổi tiếng của Pháp dày hơn 2000 trang, khổ 15,5 x 23,5cm,  mối trang gồm  90 dòng, nhưng không ai gọi nó là đại từ điển, lại càng không phải là quyển từ điển đồ sộ, mà chính tên của  nó đã mang chữ Petit, nghĩa là nhỏ. Từ điển Petit Robert gồm 2 tập, tổng cọng hơn 4500 trang, khổ giấy 16 x 24cm, mỗi trang 92 dòng, nghĩa là có dung lượng bằng 2,5 lần từ điển Petit  Larousse mà vẫn được gọi là từ điển nhỏ. Từ điển Bách khoa Việt Nam gồm 4 tập, mỗi tập khoảng 1000 trang giấy khổ 19 x 27cm, với số trang như thế và khổ giấy ấy, nếu là sách truyện thì phải nói là rất “đồ sộ”, nhưng là Từ điển Bách khoa thì phải nói là rất nhỏ, quá nhỏ, vì dung lượng chữ của nó chỉ bằng khoàng 2% đến 4%  so với các bộ Đại Bách khoa toàn thư của các nước như  Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc ... mà thôi.

      Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân được in trên  khổ giấy 16 x 24cm (rộng hơn quyển Petit Larousse một ít, và đúng bằng quyển Petit Robert), 2111 trang (xấp xỉ bằng số trang của quyển Petit Larousse) nhưng giấy dày hơn nên dày gấp rưỡi quyển Petit Larousse, khổ giấy lại nhỉnh hơn nên trông ‘bề thế” hơn hẳn. Tuy nhiên, khi nói đến một ấn phẩm sách báo, các tác giả và các Nhà xuất bản bao giờ cũng phải tính đếm dung lượng chữ của nó, nên người ta phải chú ý đến số dòng trong mỗi trang và số chữ trong mỗi dòng để tính ra số chữ trong mỗi trang. Khoảng trước năm 1990, khi trả tiền nhuận bút cho các tác giả hoặc dịch giả, các Nhà xuất bản và các cơ quan báo chí ở Hà Nội đều căn cứ và “số chữ” trong ấn phẩm (một “chữ” tức là một từ đơn, chỉ có một âm tiết, ví dụ, từ Việt Nam được tính là 2 “chữ”) rồi nhân với mức giá ứng với 1000 chữ, theo “ba-rem” do Bộ Văn hóa ban hành. Trong một trang in theo tiêu chuần thông thương, số dòng càng ít thì mỗi con chữ càng to lên, số chữ trong một dòng cũng giảm theo tỷ lệ  tương ứng. Nếu Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân được in với cùng mật độ chữ như ở của từ điển Petit Robert (bằng cỡ chữ của Petit Larousse), tức là mỗi trang in có 92 dòng (chứ không phải 49 dòng như hiện nay)  thì số trang của  nó sẽ là:

     N = 2111 x (48/92) x (48/92) =  575  trang (Từ điển Petit Larousse dày hơn 2000 trang).

      Nếu cũng được in bằng giấy mỏng như ở Petit Larousse thì Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân cũng sẽ dày (bằng 28% bề dày của Petit Larousse), chưa bằng 1/5 bề dày của nó hiện nay, tức là chưa đến 2cm. Khi đó, có lẽ GS TS Nguyễn Viết Thịnh không gọi nó là quyển từ điển đồ sộ nữa, và  nếu có nói như thế thì ai cũng thấy rất khó nghe. Cũng cần nói thêm rằng, trong quyển từ điển này (cũng như trong Từ điển từ và ngữ Hán – Việt), ngoài những sai lầm “chết người”, soạn giả còn viết rất rông dài, thừa nhiều câu nhiều chữ không cần thiết, chiếm mất một phần ba số trang. Nếu viết gọn lại thì số trang sẽ giảm được chứng 30%, nghĩa là  nếu in giống như từ điển Petit Robert (có cùng khổ giấy) thì chỉ còn khoảng 400 trang.  .

      Năm 1970, Nhà sách Khai trí ở Sài Gòn đã xuất bản 2 tập sách Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, với số trang tổng cọng là 2861, mỗi trang có 52 dòng. Nếu mỗi trang cũng in 48 dòng như ở từ điền của Nguyễn Lân thì số trang của nó sẽ là:

     N = 2861 x (52/48) x (52.48) = 3358 trang (thêm hơn 60% so với từ điển của Nguyễn Lân)

     Vậy mà cả hai soạn giả đáng kính là Lê Văn Đức và Lê Lê Ngọc Trụ cùng đông đảo trí thức ở miền Nam trước đây đều chưa ai gọi đó là bộ Đại từ điển tiếng Việt.

      Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân tuy dày hơn 2100 trang, trông có vẻ to lớn  nhưng vẫn là một quyển từ điển tiếng Việt loại nhỏ, không phải là quyển từ điển “đồ sộ”.

      Trong số gần 40 tác phẩm của nhà giáo Nguyễn Lân, đại đa số là những tác phẩm rất nhỏ và nhỏ, chỉ có 2 tác phẩm trên dưới 200 trang, 3 từ điển trên dưới 300 trang, một từ điển 865 trang, và quyển từ điển lớn nhất dày 2111 trang. Hai quyển từ điển nhiều trang nhất  cũng  vẫn thuộc loại từ điển nhỏ. Tất cả năm quyển từ điển ấy đều phạm quá nhiều sai lầm nghiêm trọng, đã  và đang bị tố cáo mạnh mẽ trước công luận trong thời gian gần đây.

       Tóm lại, nhà giáo Nguyễn Lân không hề có 42 tác phẩm “đồ sộ’  như lời khẳng định  của GS TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội., mà hầu hết là những tác phẩm rất nhỏ và nhỏ, chỉ có 4 quyển từ điển không nhỏ lắm, và 1 quyển khá dày nhưng  vẫn thuộc loại từ điển nhỏ và đều phạm quá nhiều sai sót nghiêm trọng.

       Như trên kia đã nói, trong thời gian giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà nội, nhà giáo Nguyễn Lân vẫn là phụ tá của nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo nên chỉ là giảng viên hạng ba, đứng sau các  nhà giáo Trần Đức Thảo và Trương Tửu hai bậc, cho nên đương nhiên là ông chưa đủ trình độ và uy tín  để  được phong Giáo sư. Nhiều người cho rằng,điều đó đã khiến ông ấm ức cho nên đến năm 1958, trong đợt đấu tố Nhân văn Giai phẩm, nhà giáo Nguyễn Lân đã hăng hái viết bài Trường Đại học Sư phạm đã nhổ được hai cái gai  để vu oan giá họa cho các Giáo sư  Trương Tửu và Trần Đức Thảo.

        Năm 1996, Nhà nước Việt Nam bắt đầu đặt ra Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước để trao tặng cho những tác gỉa có những tác phẩm xuất sắc. Lúc bầy giờ, nhà giáo Nguyễn Lân đã 90 tuổi, là một trong những người được chú ý để xem xét việc trao tặng giải thưởng nhưng vì ông chỉ  có những tác phẩm rất  nhỏ cho nên không thể tìm ra một lý do có vẻ “thuận tai” để trao giải thưởng cho ông.. Lẽ nào có thể trao tặng giải thưởng về thành tích viết sách Ngữ pháp Việt Nam (từ lớp 3 đến lớp 7, 131 trang) và viết sách Muốn đúng chính tả (149 trang khổ 12 x 16cm, in chữ to, rất thưa, trong đó đã “xui dại”độc giả viết sai chính tả như: trỗi dậy thì ông dạy là chỗi dậy, rớm máu thì ông dạy là dớm máu, chạnh lòng thì ông dạy là trạnh lòng, nông choèn choẹt thì ông dạy là nông trèn trẹt, đen sì thì ông dạy là đen xì, ngồi ru rú thì ông dạy là ngồi giu giú,  xun xoe thì ông dạy là sun soe, v.v.). Chẳng lẽ tặng giải thưởng cho ông Nguyễn Lân vì ông đã tham gia biên soạn sách Sơ thảo giáo dục học đại cương ( NXB Giáo dục, 1962, 569 trang) cùng với 9 tác giả khác, hoặc vì ông đã tham gia biên soạn   Từ điển tiếng Việt (Nxb Khoa học Xã hội, 1991, 1415 trang) cùng với 12 người khác, do Văn Tân chủ biên)? . Cũng không thể trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho ông Nguyễn Lân vì ông đã tham gia dịch cuốn tiểu thuyết Jăng- Krixtốp của Romain Rolland cùng với 4 người khác. Cho đến năm 1996, khi ông Nguyễn Lân đã ngoài 90 tuổi, và đã có cuốn Từ điển từ và ngữ Hán-Việt dày 865 trang (trông có vẻ dày dặn một chút chứ không lèo tèo như những quyển trước đó), vẫn chưa đủ lý do để trao tặng  Giải thưởng Nhà nước cho ông. Mặc dầu lúc bấy giờ chưa ai vạch ra cái dung lượng quá nghèo nàn và những sai lầm đầy rẫy trong đó, nhưng cứ xem qua thì cũng đủ thấy nó thua kém rất xa so với cuốn Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh ra đời trước nó hai phần ba thế kỷ. Bởi vậy, phải chờ đên khi cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000) dày 2111 trang (nhìn thì thấy to hơn và dày gấp rưỡi từ điển Petit Larousse nhưng dung lượng chữ thì chỉ bằng một phần ba so với từ điển Lpetit Larousse) vừa  in xong thì mới có lý do để trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt II cho ông về “Cụm công trình về giáo dục học và Từ điển tiếng Việt”

        Bầu không khí trở nên trầm lắng một lúc, rồi một người xin phép phát biểu:


       ▌Từ  những điều mà các bác vừa mạn đàm, chúng ta thấy rõ rằng, những bài viết về nhà giáo Nguyễn Lân từng được quảng bá lâu nay thường chứa đựng nhiều điều sai sự thật. Các sự kiện, các sự việc được nêu ra trong những bài đó đêu không  nhất quán, nhiều khi khác hẳn  nhứng điều do chính ông Nguyễn Lân viết ra. Thậm chí, có cả việc gán danh hiệu Giáo sư cho ông một cách nhất trí “trăm phần trăm”, mặc dầu trong văn bản chính thức của Nhà nước hoàn toàn không có việc đó. Các sự việc là  những thứ đã diễn ra, không thể thay đổi, lại có thể tra cứu được, tính đếm được, dễ kiểm tra hơn cả. Thế mà người ta vẫn có thể tùy tiện nói theo ý thích, không cần biết là đúng hay sai. Vậy thì việc đánh giá thực chất của các sự việc lại càng mơ hồ hơn, sai lệch hơn, thậm chí sai hoàn toàn  là lẽ đương nhiên, mà điển hình là việc GS Lê Trí Viễn và GS Vũ Khiêu đã hết lời ca tụng hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt của “Giáo sư” (tự phong) Nguyễn Lân. Phải  phân tích từng sự việc cụ thể thì mới thấy hết những điều hồ đồ trong những bài viết để ca tụng nhà giáo Nguyễn Lân. Đúng như  lời của bạn Minh Trí đã nói từ khi chưa bắt đầu cuộc mạn đàm này: ba tập sách kia về nhà giáo Nguyễn Lân hoàn toàn  không  đủ độ tin cậy để đánh giá  tài năng và cống hiến của ông.  Trong những bài viết ở đó, chỉ thấy người ta kể lể  các sự việc và ca ngợi hết lời  mà hầu như không có dẫn chứng cụ thể, hoặc nếu có thì lại là dẫn chứng saii. Điều đó sẽ được nói đến sau này.  .▌


2 nhận xét:

  1. Bài viết hay quá. Cảm ơn tác giả đã cung cấp thêm thông tin và nhận thức đến với người đọc.

    Trả lờiXóa